“Sinh khí” mới trong sản xuất nông nghiệp ở Nàn Ma

23:13, 10/04/2023

BHG - Nàn Ma là xã đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần. Qua bao thế hệ, đồng bào Mông và Nùng nơi đây vốn chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy. Thế nhưng, chưa đầy 2 năm trở lại đây, chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) được hình thành đã thổi luồng “sinh khí” mới vào Nàn Ma. Qua đó, không chỉ làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân mà còn tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội lớn để nông sản địa phương vươn rộng thị trường.

Người dân thôn Lùng Sán trồng gừng Trâu theo chuỗi liên kết giá trị với doanh nghiệp.
Người dân thôn Lùng Sán trồng gừng Trâu theo chuỗi liên kết giá trị với doanh nghiệp.

Tháng Tư, khi nắng ban mai còn chưa ló rạng khỏi lớp mây mù, người dân thôn Lùng Sán đã hối hả lên nương trồng gừng Trâu. Thay vì tâm lý bất an được mùa – mất giá, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm như những năm trước thì giờ đây, quá khứ ấy dần khép lại khi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp, HTX được hình thành. Bí thư Đảng ủy xã Nàn Ma, Vàng Văn Dân cho biết: Tháng 9.2022, HTX Nông sản Xín Mần – Misaki có trụ sở tại thôn Nàn Ma (xã Nàn Ma) – trực thuộc Công ty TNHH VietNam Misaki (tỉnh Bắc Kạn) được thành lập với 7 thành viên tham gia. Đây là bước ngoặt quan trọng để tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo nhu cầu, tín hiệu thị trường và “chắp cánh” cho nông sản Nàn Ma vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, Công ty TNHH VietNam Misaki là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất và chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Hoạt động sơ chế củ Cải của Hợp tác xã Nông sản Xín Mần – Misaki tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hoạt động sơ chế củ Cải của Hợp tác xã Nông sản Xín Mần – Misaki tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Điều kiện tự nhiên ở Nàn Ma phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, điển hình như trồng gừng hàng hóa. Giai đoạn 2016 – 2019, toàn xã có gần 40 ha gừng với cơ cấu giống chủ yếu là gừng ta. Sản xuất gừng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, nhất là khi sản phẩm thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, năm 2020 – 2021, gừng ở Nàn Ma đối diện không ít khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, khiến sản phẩm không thể xuất khẩu. Thêm vào đó, phần lớn diện tích gừng đang cho thu hoạch bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất không cao (dao động từ 10 – 15 tấn/ha) và giá bán giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 3 – 4 nghìn đồng/kg.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, HTX Nông sản Xín Mần – Misaki ra đời, mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững ở Nàn Ma. Hiện nay, HTX đang liên kết với người dân trồng 16,5 ha gừng Trâu theo nhu cầu thị trường Nhật Bản (dự kiến năng suất ước đạt 30 tấn/ha). Thông qua liên kết này, HTX đã phát huy vai trò đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất theo phương pháp “5 cùng” để sản phẩm đồng đều, năng suất cao, sản lượng ổn định. Đồng thời, cung cấp vật tư đầu vào cho các hộ dân theo hình thức cho vay – thu hồi – tái đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm ra thị trường. Trong đó, người dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thu mua ổn định 7 nghìn đồng/kg.

Đại diện HTX Nông sản Xín Mần – Misaki Nùng Văn Tài cho biết: Ngoài liên kết với người dân xã Nàn Ma trồng gừng Trâu, HTX còn liên kết với HTX Mơi Hạnh (xã Xín Mần) trồng 6 ha củ Cải theo hướng hữu cơ, phục vụ sơ chế, chế biến sâu, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Qua một năm liên kết cho thấy: Củ Cải cho năng suất từ 60 – 70 tấn/ha. Đặc biệt, với giá thu mua tại vườn là 2 nghìn đồng/kg đã giúp các hộ dân có thu nhập từ 120 – 140 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô như trước đây. Tiếp nối thành công này, đầu năm 2023, HTX liên kết với 4 hộ dân của thôn Nàn Ma trồng thí điểm 2 ha củ Cải phục vụ xuất khẩu. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản, HTX đã đầu tư dây chuyền sơ chế và chế biến sâu củ Cải, quy mô lên đến 1.000 tấn/năm. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã xuất khẩu thành công 3 chuyến hàng, tương đương gần 60 tấn củ Cải vào thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, không chỉ là “cầu nối” xuất khẩu nông sản địa phương, HTX Nông sản Xín Mần – Misaki còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài HTX Nông sản Xín Mần – Misaki, năm 2022, trên địa bàn xã Nàn Ma còn hình thành liên kết giữa Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt (Phú Thọ) với người dân trong việc sản xuất 2 ha rau (Cải bắp, Su hào) theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm. Liên kết này tiếp tục thổi luồng “sinh khí”, từng bước làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng để nâng cao thu nhập. Và giờ, nhiều sản phẩm rau của người dân đã có mặt ở một số siêu thị tại Hà Nội...

Giai đoạn 2021 – 2025, chủ trương của cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần là liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị có thương hiệu. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên, xã Nàn Ma đã và đang hình thành mối liên kết keo sơn giữa: Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nông. Ở đó, có sự tâm huyết của các doanh nghiệp, HTX đến đầu tư, hỗ trợ vào lĩnh vực nông nghiệp trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Riêng xã Nàn Ma đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để xây dựng bền vững mối liên kết “4 nhà”. Qua đó, hội tụ quyết tâm chính trị đưa nông sản Nàn Ma nói riêng, Xín Mần nói chung từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín, danh tiếng trên thị trường; góp phần thúc đẩy nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bền vững mục tiêu giảm nghèo đa chiều
BHG - Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; lấy người dân làm trung tâm, hướng đến cơ hội bình đẳng về thụ hưởng thành quả của sự phát triển… là những mục tiêu xuyên suốt được tỉnh ta xác định trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.
31/03/2023
Xã Bằng Lang phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
BHG - Với phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, thời gian qua người dân xã Bằng Lang (Quang Bình) được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Từ đó, đã góp phần giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, tạo thêm động lực tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.
31/03/2023
Xuất khẩu nông sản cơ hội và thách thức
BHG - Thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP và hội nhập kinh tế, thời gian qua, nhiều nông sản của tỉnh được tập trung phát triển thành hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn vươn ra thị trường quốc tế. Đây là tín hiệu mừng cho hướng đi bền vững của ngành Nông nghiệp, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi nông dân ra “sân chơi” lớn.
30/03/2023
Tiếp sức để du lịch khởi sắc
BHG - Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, du lịch Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Trên con đường phát triển du lịch đó của người dân Đồng Văn luôn có sự đồng hành, tiếp vốn của Agribank, nhờ đó, nhiều hộ đã vững tin mở rộng phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tính thần, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
30/03/2023