Bền vững mục tiêu giảm nghèo đa chiều
BHG - Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; lấy người dân làm trung tâm, hướng đến cơ hội bình đẳng về thụ hưởng thành quả của sự phát triển… là những mục tiêu xuyên suốt được tỉnh ta xác định trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.
Người dân xã Pả Vi (Mèo Vạc) nuôi ong mật giúp nâng cao đời sống. |
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn trước; hướng đến mục tiêu đảm bảo thu nhập tối thiểu và hỗ trợ cải thiện mức độ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Qua rà soát, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm 49,95% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 8.889 hộ, giảm 5,17% so với cuối năm 2021); trong đó, 70.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo. Mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung vào các tiêu chí về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý, cho biết: Tỉnh xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt; huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên; lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng; nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Phát triển mô hình trồng dâu tây giúp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp 3-2, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. |
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu giảm 7.660 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 4,0%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Giải quyết việc làm cho 17.800 lao động; trong đó, đi làm việc ở các tỉnh trong nước và làm việc ở nước ngoài 10.200 lao động; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ Bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 97,25%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo còn 48,6%. Đảm bảo tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%. Giáo dục nghề nghiệp 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; phấn đấu cuối năm 2023 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 57,8%. Hỗ trợ nhà ở cho 5.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn huyện nghèo. Phấn đấu 85% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2023 đạt 93%; đảm bảo 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 90% các hộ sinh sống tại địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản sản phẩm truyền thông…
Để triển khai hiệu quả các dự án thành phần về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… các địa phương trong tỉnh đang tập trung hoàn thành việc rà soát, lập danh mục và thủ tục đầu tư các công trình, dự án; duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo. Các ngành, địa phương triển khai theo đúng hướng dẫn về thực hiện nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; rà soát, lựa chọn, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị...
Giám đốc Sở Lao động - TBXH Sùng Đại Hùng, chia sẻ: Ngành hiện tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang. Mặt khác, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai các hoạt động về xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công...
Để chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng, hiệu quả, tỉnh ta tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc