Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới
BHG - Xác định phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hướng đến mục tiêu phát triển KTTT bền vững, năng động, hiệu quả trong giai đoạn mới.
Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm ra thị trường. |
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 812 HTX, trong đó có 67 HTX thành lập mới trong năm, với tổng số thành viên trên 22.000 người. Tổng số tổ hợp tác trên 1.400 tổ với hơn 21.000 thành viên. Hoạt động của các HTX đã tác động vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán; góp phần tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm.
Các HTX đã tập trung huy động vốn, đầu tư đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; chú trọng đa dạng hóa và cải tiến mẫu mã sản phẩm cung cấp ra thị trường. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương như: Cam, dược liệu, chè, dứa, mía, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gia súc; cung cấp dịch vụ nông nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; từng bước hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Điển hình có thể kể đến HTX sản xuất rau an toàn Học Lập, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) sản xuất rau an toàn trên diện tích 2 ha; trong đó có 2.300 m2 nhà lưới, mỗi vụ sản xuất đều trồng luân canh với nhiều loại rau, quả có giá trị kinh tế cao như: Dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột Nga, dưa Lưới xanh, dưa Kim Cô Nương... Hiện, HTX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu bình quân đạt 550 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp còn chứng minh hiệu quả khi tham gia liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ nông dân phát triển, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân lên 1,5 - 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường. Tiêu biểu như HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè Shan tuyết, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, tiến hành liên kết với trên 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán. Đồng thời, đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng công suất từ 4 tấn chè tươi lên 15 tấn/ngày. Với việc thu mua chè búp tươi của các hộ dân lên đến 15 tấn/ngày cùng với giá thu mua khá cao đã giúp người dân trồng chè trong khu vực yên tâm sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè.
Thực hiện Nghị quyết số 20, ngày 16.6.2022 của BCH T.Ư Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT thuộc lĩnh vực quản lý, theo hướng xác định các tổ chức KTTT là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể, người dân. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các tổ chức KTTT nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các tổ chức KTTT tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, khuyến khích mở rộng, đa dạng hoá các loại hình thành viên trong tổ chức KTTT (thành viên chính thức và thành viên liên kết); vận động tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển của tổ chức KTTT. Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện kết nối cho các doanh nghiệp và HTX liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT; khuyến khích các HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc