Bằng Hành phát triển kinh tế rừng
BHG - Xã Bằng Hành (Bắc Quang) luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh trồng rừng, trở thành một trong những điểm sáng của huyện về phát triển rừng gỗ lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng và góp phần quan trọng giảm sạt lở, rửa trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Hoàng Xuân Lục (giữa), thôn Trung Tâm, xã Bằng Hành (Bắc Quang) chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc cây Gáo vàng. |
Xác định trồng rừng, phát triển kinh tế rừng là một trong những tiềm năng, thế mạnh của xã Bằng Hành, vì vậy địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế rừng, đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển kinh tế hộ ở xã Bằng Hành trong nhiều năm qua. Đã có nhiều cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế rừng, mang lại nguồn thu nhập ổn định, công việc vững bền ngay trên quê hương. Trong đó, nổi bật là anh Hoàng Xuân Lục, thôn Trung Tâm là người có uy tín và tiên phong về chuyển đổi từ trồng cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn của xã. Anh Lục chia sẻ: Tôi đã tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về nông, lâm nghiệp do huyện, xã tổ chức, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn về chăm sóc cây rừng cho người dân trong và ngoài xã. Diện tích rừng sản xuất gia đình có 20 ha, trồng cây gỗ lớn như: Gáo, keo, quế, mỡ, Bồ đề; trồng rừng gỗ lớn giúp gia đình giảm chi phí chăm sóc, công lao động. Nhiều cây chỉ từ 5 – 6 năm là cho thu hoạch và mang lại thu nhập cao: Gáo giá từ khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/m³ gỗ; keo, mỡ dao động từ 60 – 70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, Bồ đề và quế có thời gian lâu hơn từ 10 – 12 năm sẽ cho sản phẩm chất lượng và kinh tế cao. Dự kiến trong 3 năm tới gia đình tôi sẽ thu hoạch cây gỗ lớn, hứa hẹn mang về cho gia đình khoảng 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi kết hợp trồng cây gỗ lớn với chăn nuôi gà 300 con, dê 40 con và lợn đen 15 con dưới tán rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trong thời gian chờ diện tích cây gỗ lớn cho thu hoạch, thì nuôi gia súc, gia cầm hàng năm đã đem lại thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp. Nhờ phát triển trồng cây gỗ lớn mà các thành viên trong gia đình đã có công việc ổn định, nguồn thu nhập khá từ rừng…
Đồng chí Ngọc Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Bằng Hành cho biết: Năm 2022 vừa qua toàn xã trồng được 40 ha rừng cây gỗ lớn. Xã vận động các hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” và hướng dẫn các chủ rừng thực hiện đúng quy định về xử lý thực bì sau khai thác để trồng rừng. Thành lập các tổ tự quản bảo vệ rừng để thực hiện tốt việc giám sát, quản lý và bảo vệ rừng, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Phong trào bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương ngày càng phát triển mạnh, người dân ngày càng hiểu về tầm quan trọng và lợi ích kinh tế rừng mang lại. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây ngắn ngày có giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng sản xuất, nên diện tích rừng của địa phương năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững. Tạo cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài xã đầu tư sản xuất gắn với chế biến lâm sản. Tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức trong công tác trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, góp phần tạo công việc ổn định, thu nhập khá cho người dân địa phương; đồng thời, bảo vệ nguồn nước, chống sói mòn, tạo môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân…
Bài, ảnh: ĐỨC NINH
Ý kiến bạn đọc