Mèo Vạc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại

15:23, 24/07/2021

BHG - Mặc dù đối diện không ít khó khăn, song chăn nuôi theo hình thức trang trại tiếp tục là hướng đi của huyện Mèo Vạc trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó khai thác tiềm năng, thế mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã Tuấn Dũng.
Trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã Tuấn Dũng.

Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng, tổ 5, thị trấn Mèo Vạc là đơn vị đầu tiên của huyện Mèo Vạc tiên phong trong phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại. Theo đại diện HTX Tuấn Dũng: Cuối năm 2017, HTX đầu tư, xây dựng trang trại tại thôn Bờ Sông, xã Xín Cái. Tuy nhiên, để xây dựng trang trại, HTX cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khu vực này chưa có mặt bằng, muốn xây dựng cần phải cải tạo, trong khi địa hình không thuận lợi, lởm chởm đá tai mèo. Khắc phục khó khăn này, HTX đã thuê ô tô vận chuyển đất từ nơi khác về, đồng thời thuê máy múc để san gạt, tạo mặt bằng xây dựng.

Sau khi có mặt bằng rộng khoảng 2 ha, HTX tiến hành xây dựng các hạng mục như: Khu vực nhà điều hành, hệ thống bể biogas, điện năng lượng mặt trời, khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, gà; tổng kinh phí đầu tư khoảng 5,5 tỷ đồng. Nhờ có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi của HTX. Bên cạnh đó, HTX cũng chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đây là những yếu tố quan trọng, tạo thành quả bước đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Hiện nay, trang trại của HTX tập trung chính vào sản xuất và cung cấp giống lợn đen Lũng Pù. Ngoài ra, HTX cũng mở rộng chăn nuôi gà với quy mô mỗi lứa từ 300 – 2.000 con gà đẻ trứng và gà thương phẩm. Tổng doanh thu của HTX trung bình mỗi năm đạt trên 3 tỷ đồng.

Mặc dù những năm qua, việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đã được huyện Mèo Vạc quan tâm, khuyến khích phát triển; tuy nhiên, đến nay toàn huyện mới có 1 trang trại của HTX Tuấn Dũng đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến công tác tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra làm đầu mối liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi; công tác quy hoạch còn thiếu quan tâm, chưa bố trí được quỹ đất để triển khai các hạng mục cho đầu tư cơ sở chăn nuôi tập trung, lò giết mổ, khu chế biến thức ăn gia súc. Mặt khác, một số chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi còn cứng nhắc, thủ tục rườm rà, phức tạp; nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại còn ít, dàn trải, chưa đủ tạo động lực thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia phát triển…

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Mèo Vạc phấn đấu thành lập mới 2 trang trại chăn nuôi, nâng tổng số trang trại của huyện đạt tối thiểu 3 trang trại. Để đạt mục tiêu này, hiện nay, huyện đang tập trung triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, như: Chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế trang trại vào quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện; tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các trang trại dựa trên lợi thế sản xuất hàng hóa thế mạnh của địa phương, như trang trại chăn nuôi trâu, bò, cá lồng, lợn, ong mật; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

Đồng Văn bình ổn thị trường

BHG - Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến rất phức tạp, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến phát triển KT – XH của nước ta. Đã có 1 số bộ phận thương lái, kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố đẩy giá thành cao để trục lợi. Tại tỉnh ta, giá cả các mặt hàng vẫn được ổn định, nhờ sự vào cuộc sát sao của các cấp, ngành; trong đó, nổi bật là huyện Đồng Văn đã làm tốt công tác bình ổn thị trường, nhằm đảm bảo đời sống cho đồng bào vùng biên giới.

24/07/2021
Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Lắk tiêu thụ nông sản

BHG - Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk có 7.800 ha bơ và 10.130 ha sầu riêng cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt trên 250 nghìn tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, các sản phẩm nông sản trên hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

23/07/2021
Dồn điền – đổi thửa để Hạ Thành đổi mới

BHG - "...Ruộng anh, ruộng tôi ở chỗ này, chỗ kia, hay bờ ruộng nhà anh bé, bờ ruộng nhà tôi to thế này, dài thế khác, đến nay đã là quá vãng. Người Hạ Thành bây giờ làm ăn thật nhàn, luôn biết nhường nhịn, yêu thương, sẻ chia cho nhau nhiều lắm...".

23/07/2021
Người "thắp lửa" phong trào thi đua làm kinh tế ở Yên Thượng

BHG - Với tinh thần "Nói đi đôi với làm", anh Nguyễn Xuân Nhất, Trưởng thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi mà còn phát huy vai trò của người cán bộ thôn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế để xây dựng đời sống no ấm, văn minh.

23/07/2021