Nuôi lợn sinh kế ở Phú Lũng

10:01, 09/06/2021

BHG - Từ các chương trình hỗ trợ lợn giống giúp người dân phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập. Nuôi lợn đã trở thành sinh kế của người dân xã Phú Lũng (Yên Minh), đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo.

Chuồng nuôi lợn sinh sản của bà Chẻo Thị Mỏa thôn B3 (phải).
Chuồng nuôi lợn sinh sản của bà Chẻo Thị Mỏa thôn B3.

Phú Lũng là xã biên giới, núi đá, điều kiện tự nhiên bất lợi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc tìm mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, nhất là trong giai đoạn 2015 – 2020 xã nằm trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn NTM của huyện. Chủ tịch UBND xã, Triệu Quý Hùng cho biết: Sau khi rà soát, nắm bắt nhu cầu của các hộ, xã đề xuất huyện dành nguồn lực hỗ trợ lợn giống địa phương để phát triển chăn nuôi. Bởi các hộ đều đã có nhiều kinh nghiệm, mỗi gia đình thường nuôi một vài con lợn nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm nên xã muốn thúc đẩy chăn nuôi lợn thành điểm nhấn trong phát triển kinh tế hộ.

Từ năm 2014 đến năm 2020, xã Phú Lũng được huyện Yên Minh hỗ trợ 775 triệu đồng, giải ngân cho các hộ dân mua lợn chăn nuôi thương phẩm. Trong đó năm 2014 và 2016, giải ngân 300 triệu đồng cấp về Quỹ phát triển thôn cho các hộ vay vốn trong 2 năm, sau đó thu hồi 100% và luân chuyển cho các hộ khác. Đến nay đã cho vay quay vòng 2 lần được 60 hộ, với 180 con giống. Năm 2020 huyện Yên Minh tiếp tục giải ngân 490 triệu đồng thông qua Dự án hỗ trợ lợn giống tạo sinh kế cho 61 hộ mua 183 con lợn giống (mỗi hộ 3 con) để chăn nuôi thương phẩm. Sau 2 năm, sẽ thu hồi 20% số kinh phí hỗ trợ. Hiện tại các hộ được hỗ trợ lợn trong dự án đã xuất bán được 1 lứa, với trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 70 - 90 kg. Nhiều hộ vừa thu hồi được vốn vừa duy trì và tiếp tục mở rộng quy mô.

Anh Tần Phù Mìn, thôn B3 cho biết: Từ chương trình hỗ trợ của nhà nước, năm ngoái gia đình tôi mua được 3 con lợn giống. Sau khi nuôi tôi đã bán lợn thương phẩm được 6 triệu đồng để thu hồi một phần vốn. Từ số tiền bán lợn tôi cũng mua thêm một con lợn nái để gây giống. Hiện tại gia đình tôi có 5 con lợn thịt và 2 con lợn nái, trong đó có 1 con lợn nái đã đẻ được 1 lứa, chuẩn bị xuất bán. Hứa hẹn năm nay đàn lợn của gia đình sẽ cho thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng. Bà Chẻo Thị Mỏa phấn khởi khoe: Năm trước được huyện hỗ trợ 3 con lợn để nuôi thương phẩm nhưng tôi quyết định giữ lại 2 con làm giống. Còn một con tháng 7 này sẽ xuất chuồng, có thêm nguồn thu. Cả 2 con lợn giống đều đã có chửa rồi, năm nay đẻ được 2 đàn lợn thì phấn khởi lắm. Vì có thể giữ lại một đàn và bán giống một đàn. Lợn địa phương nên giá cao lắm. 

Trưởng thôn B3 Chẻo Chỉn Hiển cho biết: Trong thôn có 74 hộ, 100% các hộ đều chăn nuôi lợn. Bởi nuôi lợn lớn nhanh hơn, không phải đi cắt cỏ thường xuyên như nuôi bò. Rau cho lợn có thể trồng quanh nhà các loại như khoai lang, rau mon hay mùa này có nhiều rau bí. Do dịch bệnh covid – 19 nên từ năm ngoài nhiều lao động địa phương không đi làm thuê được nhưng nhờ nuôi lợn nhiều hộ trong thôn có thu nhập ổn định, không bị tái nghèo, thậm chí có hộ đã thoát nghèo.

Chăn nuôi lợn đang được người dân Phú Lũng tập trung phát triển, tạo sinh kế cho gia đình. Tính đến cuối năm 2020, toàn xã có 611 hộ, nhưng đàn trâu chỉ có 260 con, đàn bò 287 con, đàn lợn có gần 1.600 con. Bình quân mỗi hộ chưa có đến 1 con trâu hoặc bò nhưng có gần 3 con lợn. Trong định hướng của huyện Yên Minh, năm 2021 sẽ hỗ trợ Phú Lũng thành lập HTX chăn nuôi lợn địa phương và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn. Đây là động lực cho các hộ mở rộng quy mô, giải quyết việc làm và thu nhập trong thời kỳ dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và chưa có hồi kết như hiện nay.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng ở Nà Thấng

BHG - Những năm gần đây, nhân dân thôn Nà Thấng, xã Đường Âm (Bắc Mê) đã mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng một vụ kém hiệu quả sang trồng cây Dưa hấu, dưa lê, dưa gang… có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

09/06/2021
Giảm nghèo bền vững - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

BHG - Với xuất phát điểm nền kinh tế thấp, đời sống người dân nhiều khó khăn, tỉnh ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để lãnh, chỉ đạo, triển khai các giải pháp tạo sinh kế, giúp bà con các dân tộc từng bước vươn lên.

 
09/06/2021
Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2021

BHG - Sáng 8.6, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 theo hình thức trực tuyến đến 20 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu nước ngoài. Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

08/06/2021
Những "quả ngọt" đầu tiên từ Đề án cải tạo vườn tạp

BHG - Thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, đã có hàng nghìn m2 vườn tạp trên miền đá xám huyện Đồng Văn được hồi sinh. Phần lớn những diện tích vườn tạp, đất kém màu mỡ sau khi được cải tạo chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, hoa màu,… đã bắt đầu cho những "trái ngọt". 

08/06/2021