Không để chuồng bò… trống vắng
BHG - “Nếu trong chuồng không có con bò nào, chúng tôi cảm thấy rất trống vắng; cho nên, có chuồng nhất định phải có bò” - đây là chia sẻ của ông Lầu Sìa Nô cũng là suy nghĩ của hơn 60 hộ dân thôn Lầu Chá Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Từ quan điểm này, nhiều hộ dân thôn Lầu Chá Tủng đã lựa chọn hình thức nuôi bò vỗ béo; nhờ đó, không ít hộ đã thoát nghèo.
Nuôi bò vỗ béo mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Vàng Chá Cơ, thôn Lầu Chá Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn). |
Trưởng thôn Lầu Chá Tủng, Lầu Sìa Nô, cho biết: Chăn nuôi bò là nghề truyền thống lâu đời của người dân trong thôn. Tuy nhiên, những năm trước chủ yếu là tự phát, nhiều gia đình có nhận thức chưa đúng, chưa đủ về vị trí, vai trò và giá trị kinh tế của việc chăn nuôi bò nên chưa chú trọng đầu tư nhân lực, vật lực cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển đàn bò. Từ đó, tốc độ phát triển đàn bò còn chậm, số lượng bò hàng hóa còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Song, những năm trở lại đây, nhận thấy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển chăn nuôi bò vỗ béo hàng hóa, thôn đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân triển khai có hiệu quả các chủ trương của các cấp, ngành về phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô, đất kém hiệu quả sang trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho bò; chuyển từ hình thức nuôi bò chăn thả sang nuôi nhốt; chú trọng tiêm phòng, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi nhằm phòng tránh dịch bệnh… Nhờ tích cực thực hiện các nội dung trên, đàn bò của thôn liên tục tăng qua các năm. Hiện nay, trung bình mỗi hộ có từ 2 – 5 con bò, trong đó, hầu hết các hộ chăn nuôi theo hình thức vỗ béo. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, có 14 hộ trong thôn thoát nghèo nhờ chăn nuôi theo hình thức này.
Hộ ông Vàng Chá Cơ là một trong các hộ phát triển kinh tế tiêu biểu của thôn, nhờ duy trì nghề chăn nuôi bò vỗ béo đã mang lại cho gia đình cuộc sống tốt hơn. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo, ông Cơ cho biết: Khâu chọn bò giống có vai trò đặc biệt quan trọng. Khi chọn mua bò, cần chọn con giống khỏe mạnh, không bị khô miệng; có thể cho bò ăn thử cỏ tươi, nếu con nào khỏe sẽ nhận biết được ngay. Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin như Nhiệt thán, Lở mồm Long móng, Tụ huyết trùng… Trong những năm qua, với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, ông Vàng Chá Cơ đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt, với nguồn thu nhập ổn định từ nuôi bò vỗ béo đã giúp ông có điều kiện cho 3 người con học đại học.
Theo Chủ tịch UBND xã Sà Phìn, Hầu Mí Say: Hiện nay, trên 80% số hộ chăn nuôi tại các thôn trên địa bàn xã thực hiện nuôi bò vỗ béo, trong đó, thôn Lầu Chá Tủng là một trong các thôn tiêu biểu thực hiện hiệu quả mô hình này. Qua thực tế cho thấy, đây là mô hình kinh tế có hiệu quả cao, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ dân, góp phần hạn chế tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Từ hiệu quả thực tiễn, thời gian tiếp theo, xã tiếp tục chỉ đạo, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã duy trì và nhân rộng mô hình này; đồng thời quan tâm tìm kiếm thị trường ổn định cho người chăn nuôi.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc