Cải tạo vườn tạp trên vùng đất khó
BHG - Thực hiện chương trình Cải tạo vườn tạp của UBND tỉnh, huyện Mèo Vạc đối diện không ít khó khăn, nhất là thực trạng thiếu đất sản xuất. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận của người dân, Đề án đã đạt một số kết quả khả quan bước đầu.
Người dân xã Pả Vi sử dụng giống ngô chất lượng tốt nhằm nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác. (Ảnh chụp trước 25.4.2021) |
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tư liệu đất đai luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, do nằm trong vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn với đặc điểm phần lớn diện tích đất tự nhiên là núi đá nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Mèo Vạc khá hiếm hoi. Tình trạng đất canh tác xấu do địa hình chia cắt mạnh, tầng canh tác mỏng, độ dốc lớn, tốc độ xói mòn, rửa trôi nhanh. Nhìn chung, nông dân trên địa bàn huyện đều thiếu đất canh tác, đây là khó khăn hàng đầu cản trở sự phát triển sản xuất và công tác giảm nghèo của huyện.
Cán bộ Huyện đoàn Mèo Vạc giúp người dân xã Nậm Ban cải tạo vườn tạp. (Ảnh chụp trước 25.4.2021) |
Thiếu đất sản xuất cũng là một trong những khó khăn lớn, đặt ra nhiều thách thức cho huyện, nhất là hạng mục xếp đá kè bờ nương, đổ đất tăng độ dày, mở rộng diện tích đất canh tác, trong khi cơ chế, chính sách để thực hiện các nội dung này còn hạn chế. Mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ giai đoạn 2021 – 2025 nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, chưa đủ động lực để các hộ thực hiện. Với chính sách này, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo và mức hỗ trợ chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ trong vòng 30 tháng; việc bố trí lồng ghép kinh phí để tổ chức thực hiện ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù đối diện không ít khó khăn, song, sau gần 5 tháng triển khai, huyện Mèo Vạc bước đầu đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân được các cấp, ngành của huyện hết sức quan tâm. Qua các buổi tuyên truyền, tập huấn đã thu hút gần 30 nghìn lượt người tham dự. Cùng đó, toàn huyện đã huy động xã hội hóa được hơn 1.100 ngày công lao động và trên 73 triệu đồng cho các hộ cải tạo vườn tạp. Đến nay, toàn huyện đã cải tạo vườn tạp được 118 hộ, gồm 103 hộ nghèo, cận nghèo và 15 hộ không thuộc diện vay vốn; trong đó, diện tích cải tạo tối thiểu của mỗi hộ 500 m2. Kết quả nổi bật đạt được ở một số nội dung, hạng mục cải tạo, như: Trồng mới gần 2.000 cây lê; trồng cây lương thực được hơn 41.000 m2; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng chuồng trại được 365 m2; phát triển chăn nuôi bò được 18 con, chăn nuôi gia cầm hơn 1.300 con…
Hộ ông Lầu Mí Nô, thôn Tả Lủng B (xã Tả Lủng) là hộ đầu tiên, cũng là hộ được huyện Mèo Vạc chọn làm điểm thực hiện cải tạo vườn tạp. Ông Nô chia sẻ: Trước đây, phương thức tổ chức của gia đình có đặc thù là canh tác xen canh, không có ranh giới xác định diện tích khu vực làm vườn riêng biệt; việc bố trí, sắp xếp vị trí chuồng trại, vườn chưa hợp lý; chưa áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác đạt thấp. Tuy nhiên, trên cơ sở thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp của UBND tỉnh đã giúp tôi thay đổi tư duy, nhận thức về trồng trọt, chăn nuôi; biết quy hoạch, sắp xếp, bố trí không gian vườn hộ khoa học, hợp lý, từ đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ, nâng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Hồng Mí Sinh: Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 700 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp theo Chương trình của UBND tỉnh, tương đương 700 vườn. Để đạt chỉ tiêu này, hiện nay, UBND huyện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu, như: Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện; phát triển kinh tế vườn hộ, cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng Nông thôn mới; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật để cải tạo vườn tạp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; linh động trong áp dụng cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc