Bứt phá trong phát triển kinh tế ở Ngọc Đường
BHG - Thời gian qua, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) luôn nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm phát triển về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng tầm đời sống nhân dân; tạo đà giúp Ngọc Đường bứt phá phát triển kinh tế toàn diện trong khu vực.
Cán bộ xã kiểm tra quy trình sản xuất gạch của anh Nguyễn Văn Bắc (phải), thôn Sơn Hà. |
Ngọc Đường là 1 xã có nhiều điểm giao thương quan trọng, nối liền với các huyện Bắc Mê và Vị Xuyên. Địa hình tự nhiên thuận lợi, đất đai phì nhiêu, với dân cư đông đúc; đó là những thế mạnh giúp địa phương phát triển đa dạng các lĩnh vực. Để có được sự thành công như hiện nay, là có sự đóng góp công sức của toàn thể nhân dân, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, định hướng cách làm hay, sáng tạo đem lại những hiệu quả thiết thực. Nông nghiệp từ lâu vẫn được coi là nền móng của sự phát triển vững bền; hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình kinh doanh cá thể, phát triển kinh tế theo quy mô trang trại, gia trại; với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lạị thu nhập ổn định, tạo việc làm trên chính những mảnh vườn, đồi của gia đình mình.
Trong đó, nổi bật là chú Đoàn Hùng Tự, Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết luôn chăm lo cho công tác phát triển Đảng ở chi bộ; ngoài ra, còn là tấm gương sáng dẫn lối cho phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện nay, chú đang trồng chăm sóc 7 ha rừng cây gỗ lớn như: Mỡ, keo, bạch đàn… đang cho khai thác năm thứ 2, với khối lượng 900 tấn gỗ/năm, giá bán 1 triệu đồng/m³. Diện tích vườn sau nhà 0,5 ha trồng 200 gốc Thanh long ruột đỏ, cho thu hoạch 3 tấn quả/năm, với giá bán giao động từ 30 - 40.000 đồng/kg; 100 gốc ổi lê, sản lượng 1,5 tấn quả/năm, bán với giá 35.000 đồng/kg; na dai ruột đỏ 50 gốc được chú mang từ Đài Loan (Trung Quốc) về trồng, năng suất đạt 1 tấn quả/năm, với giá thị trường 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, còn nuôi thêm 300 con gà ri thả vườn, với trọng lượng 1,5 - 2,5 kg/con, giá bán gà thương phẩm 150.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, còn trồng thêm rau để phục vụ sinh hoạt của gia đình, làm thức ăn xanh cho gà và phân bón cây trồng, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí; sâu, bệnh trên cây ăn quả, rau màu luôn được phun phòng, trừ bằng các dược liệu thiên nhiên, vệ sinh chuồng trại luôn được quan tâm; lợi nhuận mỗi năm đem lại 750 triệu đồng.
Vườn rau xen canh của ông Đoàn Hùng Tự (phải), thôn Đoàn Kết. |
Thương mại - dịch vụ luôn là hướng đi phát triển theo xu hướng thời đại, ngành Du lịch không khói đang phát triển mạnh mẽ, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mở kinh doanh các dịch vụ homestay, để du khách thập phương được trải nghiệm các điểm thăm quan du lịch cộng đồng, các phong tục, món ăn truyền thống của địa phương.
Tiêu biểu, gia đình chú Lý Đức Tô, thôn Bản Tùy, là người đầu tiên mở homestay ở địa phương từ năm 2014, với 6 nhà sàn cộng đồng, phòng ngủ đôi, thể hiện bản sắc riêng của người Tày, diện tích từ 150 - 300 m², giá phòng mỗi người giao động từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Các thực phẩm như: Thịt lợn đen treo, vịt làng, xôi ngũ sắc…Đều được gia đình tự nuôi trồng, để giữ nguyên vẹn hương vị, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, được các du khách rất ưu chuộng. Khuân viên với các bậc hành lang được xây dựng bằng đá tự nhiên, trồng nhiều loài hoa: Hồng quế, thiết mộc lan, ngũ sắc… để tạo thêm điểm nhấn cho homestay. Lượng du khách mỗi ngày từ 15 - 20 người, tạo việc làm ổn định cho 5 thành viên trong gia đình, trừ các chi phí mỗi năm cũng đem lại 900 triệu đồng.
Tiểu thủ công nghiệp từ lâu đã trở ngành những ngành nghề truyền thống ở Ngọc Đường, hiện nay có 4 Hợp tác xã, 80 hộ kinh doanh về các ngành nghề như: Sản xuất gạch, gia công mỹ nghệ mộc, chế biến lâm sản, chế biến thức ăn gia súc, xay sát…Trong đó, nổi bật mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được công việc vững chắc, thu nhập khá cho người dân là sản xuất gạch bi. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Bắc, thôn Sơn Hà, với máy móc hiện đại sản xuất đạt số lượng 3.000 viên/ngày, giá bán 1.800 đồng/viên; ngoài ra, còn liên kết hợp tác sản xuất với các nhà máy gạch đỏ ở Phú Thọ. Tạo việc làm cho 8 công nhân tại địa phương, với mức lương mỗi người từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay, đang phân phối đi các huyện như: Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ… Được các nhà thầu xây dựng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, còn nuôi 30 con lợn đen thương phẩm, trọng lượng từ 70 - 90 kg/con, với giá bán 110.000 đồng/kg. Máy xay sát của gia đình, phục vụ nhu cầu cho bà con chăn nuôi tại địa phương; lợi nhuận mỗi năm đạt 1,2 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường, Kiều Đức Thành cho biết: Xã luôn nỗ lực tìm đầu ra vững trãi cho các sản phẩm của địa phương, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về các lĩnh vực công - nông - thương nghiệp; luôn thăm hỏi, kiểm tra tình hình hoạt động của các hộ sản xuất, kinh doanh, nhằm tháo gỡ những khó khăn,vướng mắc trong hoạt động thường ngày. Thành công như hiện tại, là có đồng lòng của nhân dân và sự tận tâm của cả hệ thống chính trị; thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, mở rộng thêm diện tích nuôi trồng, chăn nuôi và cơ sở, những lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, vật chất đầy đủ, thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các địa phương trung tâm thành phố; giúp Ngọc Đường trong tương lai không xa trở thành phường phát triển KT - XH điển hình trên toàn thành phố.
Bài, ảnh: Đức Ninh
Ý kiến bạn đọc