Nhộn nhịp vụ chè Xuân
BHG - Sau mùa Đông giá lạnh kéo dài, cây chè Shan tuyết ngưng mọc chồi để bảo quản dưỡng chất. Khoảng giữa tháng ba, tiết trời ấm áp, những búp chè căng mong nhú nở trên các rừng chè và cho chất lượng tốt nhất. Chè vụ Xuân được cả người làm chè và người uống chè mong đợi vì hương vị đặc biệt và chất lượng, vậy nên khi các đồi chè bật chồi, nẩy búp cũng là lúc các xưởng sản xuất đốt lò bắt tay vào sao chế chè thành phẩm.
Người dân thôn Ngài Là Thầu, xã Lao Chải, Vị Xuyên thu hái chè Xuân |
Với diện tích hơn 20.000 ha, Hà Giang là vùng chè Shan tuyết lớn nhất cả nước, với các vùng nguyên liệu sạch trải dài các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần… Đây là nguồn cung cấp búp chè chất lượng cho các xưởng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chè Shan tuyết là loại chè có nội chất tốt, từ những búp chè mơn mởn, có lớp lông tơ mịn màu trắng bao phủ này có thể chế biến ra hơn 10 loại chè thành phẩm phục vụ nhu cầu của người uống chè trong và ngoài nước như: Chè xanh, hồng trà, trà ống lam, chè vàng, chè Phổ nhĩ…
Chè được người dân thu hái từ sáng đến khi trời tối và mang xuống xưởng sản xuất |
Với đặc trưng là các vùng chè mọc tự nhiên dưới tán rừng, nên việc thu hái chè của người dân cũng gặp không ít vất vả. Thường một buổi hái chè được bắt đầu từ sáng sớm tới khi mặt trời lặn mới xong. Chè được người dân gom lại bán cho các xưởng sản xuất lớn, hoặc tự sao chế thành phẩm tại nhà. Vậy nên chế biến chè ở Hà Giang thường được làm trong buổi tối, dưới anh điện những thợ làm chè miệt mài với từng mẻ chè cho tới khi trời sáng. Để có một ấm chè ngon tới tay người tiêu dùng không hề đơn gian, chè có thể được sao chế thủ công rất vất vả hoặc sao chế bằng các bom sao bằng củi, bom xao bằng ga, điện những phải tuân thủ các bước kỹ thuật khắt khe mới hoàn thành và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Các xưởng chế biến chè thường xuyên sản xuất xuyên đêm để cho ra những sản phẩm ưng ý nhất |
Chế biến chè thủ công đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ thuật |
Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc