Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân Cao nguyên đá
BHG - Một trong những nguyên nhân khiến đời sống người dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá khó thoát khỏi đói, nghèo chính là thiếu đất sản xuất.
Thiếu đất sản xuất là tình trạng chung trên 4 huyện vùng Cao nguyên đá khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. |
Công viên Địa chất toàn cầu (ĐCTC) - Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, KT – XH đặc biệt khó khăn nhưng có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT – XH và QP – AN của tỉnh. CNĐ có 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Giấy, Pu Péo, Dao, Nùng, Hoa, Lô Lô...) cùng chung sống với trên 3/4 diện tích đất tự nhiên là đá; từ nguồn đất hiếm hoi, các loại cây lương thực và thực phẩm được bà con trồng xen kẽ trong các hốc đá, trong từng khe đá có đất, trên các vỉa đá hoặc các triền đá... Do nguồn đất canh tác khan hiếm nên đồng bào các dân tộc phải gùi đất cho vào các hốc đá để trồng ngô và một số loại rau màu phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ bao đời nay, đồng bào đã hình thành nên phương thức canh tác độc đáo - phương thức canh tác trên các hốc đá hoặc canh tác trên nương đá. Truyền thống canh tác đó thể hiện tính cần cù, chịu kham khổ của con người trước điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên để sinh tồn và phát triển; thể hiện sức mạnh và ý chí của người dân miền cực Bắc. Giá trị của phương thức canh tác đó được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức canh tác trên đá” là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014.
Mèo Vạc nằm trong vùng lõi Công viên ĐCTC - CNĐ Đồng Văn; nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện đề ra 5 chương trình trọng tâm về phát triển KT – XH; trong đó có chương trình “Cải tạo nương đá, bồi đất tạo vùng sản xuất tập trung cho người dân”. Đây được xem là chương trình quan trọng, mang ý nghĩa lớn với người dân địa phương, bởi thực trạng đất đai sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn, bất lợi do tình trạng đất canh tác xấu, địa hình chia cắt mạnh, chủ yếu là nương đá, tầng canh tác mỏng, độ dốc lớn, tốc độ xói mòn, rửa trôi nhanh, hầu hết diện tích canh tác bị bạc mầu. Đồng chí Tề Văn Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: Thời gian qua, khắc phục tình trạng bất lợi về đất sản xuất, huyện đã tiến hành cải tạo, chuyển nương thành ruộng; kiên cố hóa bờ kè nương ruộng để tạo mặt bằng sản xuất và giữ đất, giữ nước; áp dụng biện pháp canh tác nông, lâm tổng hợp trên đất dốc; bố trí cơ cấu giống, luân canh, xen canh cây trồng hợp lý; tạo băng cây xanh theo đường đồng mức nhằm hạn chế tốc độ dòng chảy, giảm tốc độ xói mòn đất, tăng khả năng giữ đất, giữ nước, cải tạo độ phì cho đất khu vực canh tác...
Thực tiễn cho thấy, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình, dự án định canh định cư, chính sách hỗ trợ đất sản xuất theo Nghị quyết 30a và chương trình 135… đã hỗ trợ các hộ dân thực hiện chương trình cải tạo chuyển nương thành ruộng và nương xếp đá, được người dân đồng tình, hưởng ứng và phát huy hiệu quả rõ rệt. Hầu hết diện tích canh tác khu vực dốc núi đá hiện nay được người dân xếp kè bờ nương, bước đầu định hình ranh giới canh tác của từng hộ; các bờ kè góp phần giữ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi, tạo thành những khu vực canh tác tương đối bền vững. Tuy nhiên, do bờ kè tạm nên thường xuyên bị sạt lở, nhiều diện tích độ dốc quá lớn, tầng canh tác quá mỏng, không thể canh tác hoặc có canh tác nhưng năng suất cây trồng thấp, tốn nhiều công sức tu bổ hàng năm và cần nhiều thời gian để lắng đọng, bồi tụ đất. Việc thực hiện cải tạo, bồi đắp tạo mặt bằng canh tác gặp khó khăn do nằm trong khu vực bảo tồn Công viên ĐCTC - CNĐ Đồng Văn nên việc khai thác nguyên, vật liệu (đất, đá) phục vụ bồi đắp tại chỗ rất hạn chế, chủ yếu phải lấy từ nơi khác (cự ly vận chuyển xa, chi phí lớn); trong khi đó, kinh phí đầu tư để thực hiện quá lớn, ngoài khả năng tự đầu tư của các gia đình; tình trạng diện tích đất đai manh mún, phân tán, thuộc sở hữu của nhiều hộ gia đình nên khi lựa chọn địa điểm có quy mô tập trung để thực hiện mô hình gặp khó khăn…
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Xác định giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cùng với thực hiện Chương trình Cải tạo vườn tạp là cần thiết, huyện tập trung triển khai theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; huy động sự vào cuộc của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ. Trước khó khăn về nguồn lực, huyện tập trung tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận và tham gia thực hiện của người dân; chỉ rõ chính sách, cơ chế, định mức kỹ thuật và định mức hỗ trợ để người dân biết; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh “dễ làm trước, khó làm sau”, làm từng bước chắc chắn; tập trung nguồn lực, lựa chọn làm điểm sau đó nhân rộng.
Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân vùng CNĐ là việc làm thiết thực. Tuy nhiên, cần phải thực hiện tốt các khâu khảo sát, rà soát nhu cầu, quy hoạch, xây dựng dự án, ban hành định mức. Đồng thời, xác định rõ hạng mục thuộc công trình đầu tư xây dựng cơ bản để cơ quan chuyên môn đủ năng lực tổ chức thực hiện; bố trí kinh phí khảo sát, lập quy hoạch, xây dựng đề án, dự án cụ thể và thuê tư vấn thực hiện. Việc quy hoạch, lập dự án phải làm rõ địa điểm, quy mô, khối lượng và thiết kế định hình mẫu, từ đó làm cơ sở ban hành định mức thiết kế kỹ thuật, đơn giá nguyên vật liệu và dự toán, bố trí đủ kinh phí để tổ chức thực hiện. Mặt khác, phải quy hoạch vị trí, địa điểm khu vực phục vụ việc khai thác, cung cấp vật liệu (đá hộc, bột đá, đất bồi đắp) phục vụ chương trình lâu dài.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc