"Kim chỉ nam" cho nông nghiệp phát triển

08:15, 28/03/2021

BHG - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế, vì vậy những lời căn dặn của Bác về tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, cải tiến nông cụ, trồng rừng, phát triển cây ăn quả, dược liệu… như “Kim chỉ nam” cho nông nghiệp tỉnh nhà bứt phá trên chặng đường phát triển.

Người dân thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang) phát triển chăn nuôi lợn cho thu nhập cao.
Người dân thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang) phát triển chăn nuôi lợn cho thu nhập cao.

Tại buổi nói chuyện với gần 1,7 vạn đồng bào các dân tộc tỉnh nhà khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961, Bác Hồ căn dặn: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no. Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ. Cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn... là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng nương. Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc”.

Những năm qua, tỉnh đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, khuyến khích người dân đầu tư phát triển nông nghiệp. Tiêu biểu như: Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc; đề án phát triển cây ăn quả có múi; chương trình phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo… qua đó đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp đạt trên 7.435,9 tỷ đồng; giá trị thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm đạt 50 triệu đồng; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt 40,5%.

Tổ 17, thị trấn Vị Xuyên có diện tích đất nông nghiệp lớn, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện tập trung giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thuê đất, kêu gọi các hộ dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Tiêu biểu có, Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học (Công ty Cổ phẩn Phát triển nông – lâm nghiệp và môi trường Việt Nam) triển khai sản xuất giống cây trồng nông, lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa, cây cảnh và dược liệu. Mỗi năm sản xuất trên 10 vạn cây dược liệu quý, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX sản xuất rau an toàn Học Lập đầu tư hệ thống nhà lưới trên 4.000 m2 với vòi tưới nhỏ giọt tự động, ứng dụng KHKT để ươm, trồng các loại giống dưa, rau, quả chất lượng cao; doanh thu hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Cùng với Vị Xuyên, việc tăng gia sản xuất, cải tiến nông cụ, ứng dụng KHKT vào sản xuất được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Về phát triển chăn nuôi, tỉnh tập trung thực hiện Đề án nửa triệu con đại gia súc hàng hóa và phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại; khuyến khích phát triển chăn nuôi bằng các giống địa phương và thụ tinh nhân tạo. Hiện, toàn tỉnh có 120 trang trại. Năm 2020, tổng đàn trâu, bò đạt trên 291 nghìn con; giá trị chăn nuôi trâu, bò đạt trên 600 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gà, dê, ong và nuôi thủy sản mang lại nguồn lợi lớn giúp người dân nâng cao thu nhập; tỷ lệ chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp chiếm 30%.

Đối với trồng rừng, phát triển cây ăn quả và dược liệu, tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng bền vững; thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng; đưa giống tốt vào trồng rừng. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng diện tích rừng trồng được là 38.721,3 ha; diện tích trồng rừng bằng cây giống tốt đạt 38,2%. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được quan tâm, chú trọng; diện tích rừng giao khoán, bảo vệ là 355.602 ha; huy động ngoài ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 350 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển mạnh các loại cây ăn quả, trong đó cây cam trở thành cây trồng chủ lực. Hiện, toàn tỉnh có trên 8.700 ha cam, diện tích cho thu hoạch khoảng 6.755 ha; giá trị sản xuất cam năm 2020 đạt trên 990 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã triển khai chương trình trọng tâm phát triển cây dược liệu gắn với giảm nghèo, phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu quốc gia. Đến này tổng diện tích dược liệu toàn tỉnh đạt 17.129,5 ha; thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu như: Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng; Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ cao Hà Giang…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hoàng Hải Lý cho biết: Thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp trọng tâm, trọng điểm, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2020 – 2025, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp bền vững; thu hút đầu tư và xây dựng mối liên kết chặt chẽ 4 nhà; đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng KHKT vào sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh quy mô lớn; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; đẩy mạnh phát triển rừng…”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Hà Giang 30 năm hình thành và phát triển

BHG - Tiền thân là Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên, năm 1991, sau khi tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tuyên được tách thành Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Tuyên Quang và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Hà Giang. Từ đó Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Hà Giang hoạt động độc lập, nỗ lực vượt qua khó khăn...

28/03/2021
Tiền đề cho nhiệm kỳ thành công ở Đảng bộ huyện Đồng Văn

BHG - Năm 2020, huyện Đồng Văn đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid -19 với sự xuất hiện của ca bệnh 268 tại xã Phố Là đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, đặc biệt là nhờ có "dân tin Đảng, Đảng hiểu dân", năm 2021 được dự báo là một năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, là tiền đề, đặt nền móng cho một nhiệm kỳ thành công rực rỡ của huyện vùng cao còn nhiều gian khó này.

28/03/2021
Phát huy vai trò Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng

BHG - Nhằm mở rộng hành lang pháp lý, phát huy dân chủ ở cơ sở, những năm qua, Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng (TTND, GSĐTCĐ) đã trở thành cánh tay đắc lực cùng chính quyền, cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn nhiều sai phạm. Đặc biệt, tại thành phố Hà Giang, Ban TTND, GSĐTCĐ đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng thành phố văn minh, phát triển.

 

 

27/03/2021
Thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá

BHG - Mèo Vạc có đặc thù địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; tập quán canh tác truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Giải quyết tình trạng đó, địa phương tập trung triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo hướng thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sinh kế giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

27/03/2021