Khai thác hiệu quả tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy
BHG - Năm 2020, kim ngạch XNK hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đạt trên 250 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt 180 tỷ đồng, đây là nguồn thu đáng kể đối với tỉnh khó khăn như Hà Giang; cùng với đó Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Tuy nhiên, xét về tổng thể, cũng như so sánh với các cửa khẩu của các tỉnh bạn có chung đường biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thì cơ sở hạ tầng, công trình, dự án đã và đang đầu tư vào Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy chưa tương xứng, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cửa khẩu này.
Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. |
Trong giai đoạn 2015-2020, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã được tỉnh ta quan tâm, chú trọng phát triển, cụ thể: Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phát triển kinh tế biên mậu là một khâu đột phá, mà trọng tâm là phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, với các chính sách thu hút đầu tư trong 5 năm trở lại đây bình quân số thu qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã đóng góp 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn, tổng kim ngạch XNK hàng hóa giai đoạn 2016-2020 đạt 5,388 tỷ USD, thu nộp ngân sách đạt 872 tỷ đồng. Hiện, Khu kinh tế Cửa khẩu thu hút được 40 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 2.816 tỷ đồng; trong đó có 30 doanh nghiệp/dự án đã đầu tư đi vào hoạt động; 7 doanh nghiệp/dự án đang chuẩn bị đầu tư; 3 doanh nghiệp/dự án đang chuẩn bị đầu tư. Đến nay, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tại khu vực phía Bắc khu trung tâm xã Thanh Thủy và xã Phong Quang đã cơ bản lấp đầy. Kết quả này cho thấy định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy là chủ trương đúng đắn của tỉnh, đồng thời khẳng định rõ vai trò quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu đối với phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh tại tỉnh miền núi, biên giới.
Theo đồng chí Hoàng A Chinh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Bên cạnh những lợi thế, Khu kinh tế cửa khẩu cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Trong đó, có những tác động bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; các dự án đầu tư tại đây chủ yếu quy mô nhỏ, một số nhà đầu tư năng lực hạn chế, nhiều dự án chưa đáp ứng được tiến độ cũng như năng lực sản xuất, kinh doanh … Nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng còn ít, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương nên kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đặc biệt, do vị trí địa lý, Khu kinh tế cửa khẩu hiện nay gặp khó khăn trong thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh; chưa có chính sách ưu đãi đột phá đối với Khu kinh tế cửa khẩu và thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính ban hành, thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đa số các khu chức năng trong khu kinh tế chưa được lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu để thu hút đầu tư; về giao thông kết nối tới Cửa khẩu Thanh Thủy duy nhất có tuyến Quốc lộ 2 chật hẹp, chưa có đường cao tốc, trong khi phía bạn đã đầu tư hạ tầng giao thông đảm bảo yêu cầu phát triển.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định nhiệm vụ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó lấy thương mại dịch vụ cửa khẩu là động lực chính để phát triển; xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh quan trọng, là cầu nối giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc của Việt Nam, giữa các nước ASEAN với các nước Đông Bắc Á.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã đề xuất với tỉnh tiếp tục triển khai một số nhóm giải pháp chủ yếu như: Có chính sách ưu đãi riêng về thu hút đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động thương mại dịch vụ trong khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và XNK hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; nâng cao khả năng dự báo để đảm bảo kế hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu được triển khai hiệu quả và sát với thực tiễn; thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, đổi mới cách thức quảng bá, giới thiệu tiềm năng…; quan tâm công tác lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu các khu chức năng còn lại trong khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy theo Quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 125/QĐ-TTg; đề xuất Chính phủ sớm triển khai dự án đường cao tốc kết nối tới cửa khẩu Thanh Thủy … đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, nhằm khuyến khích các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia vào phát triển, tập trung thu hút các dự án lớn về logistic tạo hiệu ứng “đầu tầu” và lan tỏa, có tác động lớn tới phát triển KT-XH của cả tỉnh.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc