Tả Phìn tập trung giảm nghèo
BHG - Là xã nội địa của huyện Đồng Văn, không có thế mạnh về du lịch, thương mại,… Tuy nhiên, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã không ngừng nỗ lực, vượt lên khó khăn, từng bước giảm nghèo bền vững.
Nuôi lợn thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Lầu Súa Cở, thôn Sà Tủng Chứ. |
Với đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chiếm 58,7%. Những năm gần đây, con số này đã giảm đều hàng năm, đời sống nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên. Đến Tả Phìn hôm nay, những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, xe máy trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân, nhiều hộ đã sắm sửa được các vật dụng cơ bản như bàn ghế, tivi, con cái được đi học đúng độ tuổi… Bộ mặt nông thôn từng được đánh giá là nghèo nhất của huyện vùng cao Đồng Văn đang có sự đổi thay rõ rệt.
Đến thăm anh Lầu Súa Cở, thôn Sà Tủng Chứ, hộ nông dân làm kinh tế tiêu biểu của xã mới thấy những nỗ lực không ngừng của người dân nơi đây. Vốn là hộ nghèo, vợ chồng anh chật vật với bài toán: Nuôi con gì, trồng cây gì để có thu nhập, cải thiện cuộc sống? Bắt tay vào khởi nghiệp với hơn 60 đôi chim Bồ câu, tuy nhiên, lợi nhuận mang lại không đủ trang trải cuộc sống, nuôi 3 con đi học, anh Cở đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và chuyển sang chăn nuôi tổng hợp. Đến nay, gia đình có hơn 20 lợn thương phẩm, 5 nái lợn; duy trì 5 con bò vỗ béo và gần 100 con gà, ngan. Hàng năm, từ mô hình chăn nuôi đã mang lại cho anh Chử trên 100 triệu đồng. Không chỉ là một lão nông chăm chỉ, anh Cở còn là người có uy tín trong thôn, được bà con yêu quý. Nhiều vấn đề phức tạp, nổi cộm tại địa phương anh đều giúp lãnh đạo, cán bộ xã giải quyết dứt điểm.
Điển hình trong phát triển kinh tế của xã Tả Phìn phải kể đến anh Giàng Mí Già, thôn Sà Tủng Chứ. Với sự nhanh nhẹn, nhận thấy địa phương có điều kiện thích hợp nuôi ong lấy mật, đặc biệt là có nguồn hoa Bạc hà tự nhiên mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2015, anh vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, mua những lứa ong đầu tiên. Đến nay, anh đang có hơn 500 tổ ong. Vụ mật năm 2020, anh bán được trên 2 nghìn lít mật ong Bạc hà, 400 lít mật hoa Xuyến chi, thu lãi trên 500 triệu đồng. Anh Già cho biết: Năm nay tôi đã đầu tư mua thêm 200 tổ ong nữa để tận dụng hết được diện tích hoa Bạc hà tự nhiên. Với kinh nghiệm nuôi ong nhiều năm, anh Già đã cùng với cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn các hộ nuôi ong khác, giúp họ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Đồng chí Ly Ngọc Long, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn cho biết: Mặc dù xã còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt, không có điều kiện thuận lợi để trồng trọt do thiếu đất, thiếu nước. Nhưng những năm gần đây, người dân có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, biết vươn lên làm kinh tế, đời sống ổn định hơn nhiều. Đây là những tín hiệu vui đầu tiên trong công cuộc xây dựng Tả Phìn ngày một phát triển hơn. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho họ vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc