Mèo Vạc đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen Lũng Pù

18:24, 16/01/2021

BHG - Chất lượng thịt thơm ngon, cung không đủ cầu, được khách du lịch và người tiêu dùng ưa chuộng, khả năng thích nghi với khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh tốt… là những điểm cộng cho giống lợn đen Lũng Pù (Mèo Vạc). Đây cũng là những yếu tố quan trọng để huyện Mèo Vạc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giống lợn này, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.

Nuôi lợn đen giúp gia đình anh Thò Mí Tính, thôn Phấu Hía, xã Lũng Pù nâng cao thu nhập.
Nuôi lợn đen giúp gia đình anh Thò Mí Tính, thôn Phấu Hía, xã Lũng Pù nâng cao thu nhập.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc, Hồng Mí Sinh, cho biết: Giống lợn đen Lũng Pù có nguồn gốc từ xã Lũng Pù, được thuần hóa, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương. Đây là giống vật nuôi quý, có khả năng thích nghi, kháng bệnh cao, nuôi con khéo, chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 – 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn. Giống lợn này đã được Viện Chăn nuôi và Dự án BIODIVA khẳng định cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác có hiệu quả cho cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện có trên 11 nghìn hộ nuôi lợn đen Lũng Pù với hơn 33 nghìn con. Mặc dù số lợn có chiều hướng tăng nhưng số lượng đàn lợn thuần chủng bị suy giảm qua từng năm và đang đối mặt nguy cơ thoái hóa nhanh do lai tạp với các giống lợn khác hoặc giao phối cận huyết thống. Ngoài ra, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc còn hạn chế, chuồng nuôi không đảm bảo, dinh dưỡng mất cân đối nên hiệu quả chưa cao… Để bảo tồn và phát triển giống lợn này, thời gian qua, huyện có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi; trong đó, tập trung vào sản xuất con giống; phòng, chống dịch bệnh; tiêu thụ sản phẩm và liên kết trong chăn nuôi…

Năm 2018, với sự hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh và huyện, Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng (tổ 2, thị trấn Mèo Vạc) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trang trại bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù. HTX đã chọn lọc, nhân giống, bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù của huyện; phát triển lợn nái sinh sản nhằm cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi trong và ngoài huyện. Với quy mô duy trì thường xuyên 100 lợn nái sinh sản, hàng năm, HTX cung ứng cho thị trường trung bình 1.500 lợn giống chất lượng tốt. Tuy nhiên, số lượng này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Do đó, HTX đã liên kết với nhiều hộ chăn nuôi giống lợn này tại một số xã trên địa bàn huyện để tổ chức sản xuất cung ứng giống. Nhờ vậy, không chỉ tạo ra được giống lợn đen Lũng Pù thuần chủng mà còn tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi…

Tại xã Cán Chu Phìn, năm 2019, mô hình chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học có giá trị cao được thực hiện tại thôn Há Ía đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực, bước đầu có 5 hộ tham gia. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc và UBND xã Cán Chu Phìn thực hiện. Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn, Quan Thị Hồng Nhung, cho biết: Hiện nay, mô hình đang duy trì 45 lợn nái và 5 lợn đực giống. Tính đến nay, mô hình đã xuất chuồng được 2 lứa/538 lợn con, thu về trên 800 triệu đồng. Thông qua thực hiện mô hình không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập mà còn giúp họ có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức thực tế trong chăn nuôi. Từ đó, tạo điều kiện để nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ma Quốc Trưởng: Mục tiêu phát triển giống lợn đen Lũng Pù đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu đạt 51.426 con, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Để đạt mục tiêu này, hiện nay, UBND huyện đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác bình tuyển, chọn lọc và đưa vào khai thác lợn đực giống đạt tiêu chuẩn, gây dựng đàn giống để tăng số lượng. Bên cạnh đó, triển khai linh động, hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh như Chương trình 30a, 135 trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo. Đồng thời vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm; xây dựng kế hoạch quảng bá và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đến người tiêu dùng; tích cực thực hiện mọi biện pháp về phòng, chống dịch…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên vào vụ Đào Tết

BHG - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời điểm này, tranh thủ tiết trời thuận lợi, người trồng đào huyện Vị Xuyên đang hối hả chăm sóc, cắt tỉa đào chuẩn bị đón tết.

 

16/01/2021
Phát huy nghề truyền thống ở Ngọc Đường

BHG - Trong những năm qua, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống. Nhờ đó, đã duy trì ổn định và ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH; bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của người Việt.

16/01/2021
Lễ ngăn sông dự án thủy điện Sông Nhiệm 3

BHG - Sáng 15.1, tại xã Niêm Sơn (Mèo Vạc), Công ty Cổ phần Sông Nhiệm 3 tổ chức lễ ngăn sông công trình thủy điện Sông Nhiệm 3. Dự án thủy điện Sông Nhiệm 3 có công suất lắp máy 14,2 MW; khai thác năng lượng dòng chảy trên sông Nhiệm. Hồ chứa của công trình nằm trên địa bàn các xã Niêm Sơn, Nậm Ban (Mèo Vạc), Mậu Long, Ngọc Long (Yên Minh).

15/01/2021
Kinh tế tập thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững

BHG - Ông Hoàng Văn Thuyết, Giám đốc HTX cam Sành VietGAP xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cho biết: Đầu vụ cam Sành năm nay HTX đã bán cho mạng lưới Siêu thị BiC trên 350 tấn. Dự kiến, hết vụ thu hoạch lượng cam Sành của HTX sẽ bán vào siêu thị ít nhất là 1.000 tấn. Các thành viên trong HTX đều chung một ý chí, một mục tiêu vươn lên trên mảnh đất quê hương thì không khó khăn nào là không vượt qua...

 

15/01/2021