Ngày hội tôn vinh thương hiệu cam Sành
BHG - Gác lại nhọc nhằn nơi vườn, đồi cam Sành bát ngát chân trời, người làm vườn hóa thân thành những “kỹ sư” nông nghiệp, chia sẻ kiến thức quý về loài cây giúp nông dân giàu có. Dẫu đôi tay chai sần vì cuộc sống mưu sinh nhưng họ đã tạo nên “tuyệt tác” cam Sành mang tinh túy đất trời Hà Giang; rồi khéo léo trưng bày chúng trên kệ, trên giá, “gieo” vào lòng người tiêu dùng sự cuốn hút diệu kỳ…
100% sản phẩm cam Sành được dán tem truy xuất nguồn gốc. |
Ngày 17.1 vừa qua, tại thủ phủ cam Sành Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành Hà Giang niên vụ 2020 – 2021. Hội thi quy tụ 30 đội thi đến từ 3 địa phương sản xuất cam Sành của tỉnh là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Họ là đại diện của hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất cam Sành tiêu biểu của tỉnh. “Với người làm vườn, Hội thi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để chúng tôi một lần nữa khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu cam Sành Hà Giang với người tiêu dùng” – chị Nguyễn Thị Vui, xã Quảng Ngần (Vị Xuyên) chia sẻ. Chung quan điểm với chị Vui, anh Đặng Văn Phong, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) nói: Dù chia thành 3 nội dung thi (Hiểu biết kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản cam; Trang trí, trưng bày, thuyết trình sản phẩm và thi Sản phẩm cam Sành) nhưng tựu chung lại, cả 3 phần thi đều hướng đến giá trị cốt lõi là khẳng định uy tín, thương hiệu cam Sành Hà Giang; mà thành quả đó được kết tinh từ chính quá trình lao động đầy tâm huyết, trách nhiệm của mỗi nhà vườn.
Ban Giám khảo chấm điểm sản phẩm cam Sành. |
Cam Sành Hà Giang đã trải qua biết bao thăng trầm để xây dựng, gìn giữ và khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu trên thị trường. Trân quý thành quả này, người trồng cam trăn trở từng mùa vụ, chăm chút từng gốc cam, không ngừng cập nhật, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên trái cam Sành vừa mang hương vị độc đáo, riêng có của Hà Giang; vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính bởi vậy, đến với Hội thi, người làm vườn đã hóa thân thành những “kỹ sư” nông nghiệp, mang sự hiểu biết, kinh nghiệm quý trong thực tiễn sản xuất để chinh phục phần thi Hiểu biết kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản cam (bằng phương pháp vấn đáp trực tiếp) của Ban tổ chức. Không những vậy, với thực tiễn sản xuất cam Sành nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ, người làm vườn còn chinh phục niềm tin của khách hàng với sản phẩm cam Sành Hà Giang. Anh Trần Trung Tính, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi lên Hà Giang, may mắn gặp đúng dịp tỉnh tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành. Quan sát sản phẩm bằng trực quan, rồi tận mắt chứng kiến Ban giám khảo kiểm tra độ ngọt của sản phẩm (kết quả phân tích khoa học bằng máy đo), xem nhật ký chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP của nhà vườn và nhất là 100% sản phẩm đều dán tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh chất lượng sản phẩm; tất cả những điều đó đã giúp tôi tin tưởng, tin dùng sản phẩm cam Sành Hà Giang. Còn chất lượng cam thì thật tuyệt vời, xứng đáng là “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” (Danh hiệu Vàng do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận – PV).
Trong tiết trời Đông giá, màu cam Sành nhuộm vàng gian hàng của 30 đội thi, tạo nên sức hút diệu kỳ, làm bừng sáng không gian. Đây cũng là 1 trong 3 nội dung quan trọng tại Hội thi – Trang trí, trưng bày sản phẩm. Khác với cách trưng bày truyền thống trên giá, trên kệ hay trong giỏ thì năm nay, nhiều đội thi có sự chuẩn bị công phu, tạo hình ấn tượng cho gian hàng của mình. Nổi bật có thể kể đến gian hàng của anh Phạm Quang Huyên, xã Vĩnh Hảo; Trần Trung Thuyết, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang); Trưởng Văn Tiến, xã Hương Sơn (Quang Bình)… với tạo hình mâm hoa quả Rồng, Phượng. Còn hộ anh Lý Văn Toại, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) lại khéo léo sử dụng những quả cam Sành chất lượng nhất để xếp thành hình Bản đồ Việt Nam. Ngoài 2 Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Bản đồ đất nước của anh được cấu thành từ 54 quả cam, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất thân thương hình chữ S. “Qua tạo hình này, chúng tôi mong muốn được góp sức cùng các cấp, ngành xây dựng thương hiệu cam Sành Hà Giang trở thành thương hiệu Quốc gia”, anh Toại bày tỏ tâm huyết.
Chia sẻ về Hội thi, Chủ tịch Hiệp hội cam Sành Hà Giang Phạm Quang Lân cho biết: Hội thi sản phẩm cam Sành Hà Giang niên vụ 2020 – 2021 là cuộc thi cấp tỉnh, được tổ chức lần thứ 3 sau các năm 2013 và 2016. Tôi đánh giá đây là lần tổ chức khá thành công khi tỉnh lựa chọn đúng thời điểm cam Sành chín với chất lượng tốt nhất. Do đó, từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm của các đội thi cơ bản đáp ứng yêu cầu Hội thi. Hơn nữa, các đội dự thi được lựa chọn tương đối khắt khe từ cơ sở nên họ chính là những đại diện tiêu biểu nhất cho người trồng cam trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên thành công của Hội thi. Thông qua Hội thi còn là dịp để tăng cường kết nối cung – cầu và hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang. Mặt khác, từ sản phẩm tại Hội thi tạo cơ sở quan trọng giúp các cấp, ngành lựa chọn một số vườn để tổ chức xây dựng vườn mẫu gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Đến với Hội thi, dù giành giải thưởng hay không, chúng tôi đều vui vẻ. Bởi người làm vườn đã có một “sân chơi” bổ ích để mở rộng giao lưu, học hỏi, tăng cường sự hiểu biết về nghề trồng cam Sành. Chúng tôi cũng đặc biệt ấn tượng với điểm số 99,5 trên thang điểm 100 của hộ anh Phạm Quang Huyên, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) – người xuất sắc giành giải Nhất Hội thi. Qua đó, càng hun đúc trong chúng tôi tinh thần cầu thị, ham học hỏi để cùng nhau phát triển bền vững thương hiệu cam Sành Hà Giang – chị Trương Thị Điểm, xã Hương Sơn (Quang Bình) bày tỏ.
Ghi chép của: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc