Bắc Mê đổi thay những xã, thôn điển hình phát triển kinh tế
BHG - Thực hiện kế hoạch 64/KH-UBND ngày 9.3.2017 của UBND tỉnh về thực hiện giá trị sản phẩm thu nhập bình quân/ha đất trồng hàng năm và phát triển xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. BTV Huyện ủy Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết về xây dựng xã, thôn điển hình phát triển kinh tế tại 6 xã và 43 thôn. Qua 4 năm triển khai góp phần tạo sự thay đổi, giúp các xã, thôn phát huy được thế mạnh và những sản phẩm đặc trưng của mình.
Thành viên HTX Nông - lâm nghiệp Bản Lạn, thị trấn Yên Phú làm sản phẩm đan lát. |
Đồ thủ công mỹ nghệ, chè, rượu… đã trở thành sản phẩm đặc trưng và mang thương hiệu của thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). Sau 2 năm không vào thôn, chúng tôi đã choáng ngợp bởi sự “thay da đổi thịt”, từ những ngôi nhà xập xệ, lấm lem, lương thực chủ yếu dựa vào diện tích đất ít ỏi, năm 1 vụ; đời sống của người dân thì vô cùng khó khăn. Nhưng như một sự thay đổi ngoạn mục, kể từ khi được thị trấn, huyện lựa chọn là thôn điển hình phát triển kinh tế, sau 4 năm người dân đã tìm ra sản phẩm chủ lực, đó là phát triển trồng cây chè, đan lát các vật dụng từ cọ, tre, khôi phục lại thương hiệu rượu Bản Lạn và xây dựng khu du lịch cộng đồng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng thôn cho biết: “Toàn thôn có tổng số 57 hộ, năm 2015 có tới 35 hộ nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, dựa vào thời tiết là chính. Nhưng nay, thôn đã không còn hộ nghèo, đời sống người dân được nâng lên đáng kể, với những ngôi nhà sàn, nhà tầng kiên cố, đường xá đi lại thuận lợi. Đặc biệt là thôn đã xây dựng thành công HTX Nông - lâm nghiệp Bản Lạn, đây là nơi tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm của thôn ra thị trường. Bên cạnh đó, người dân chú trọng phát triển chăn nuôi, trâu, bò nhốt, có những trang trại vừa và nhỏ về nuôi lợn, gà…”
Người dân thôn Bản Lạn đóng gói sản phẩm chè. |
Qua đó, sau quá trình triển khai thực hiện xã, thôn phát triển toàn diện, đã tạo sự đổi thay trên khắp các xã, thôn của huyện với những kết quả ngoài mong đợi, đó là: Trong sản xuất tăng từ 2 vụ lên 3 vụ/năm; nâng giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng hàng năm, đạt 53,24 triệu đồng, tăng 10,5 triệu đồng, đạt 106% Nghị quyết (NQ); tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 3,45 vạn tấn, tăng trên 3.500 tấn so với năm 2015, đạt 106% NQ; lương thực bình quân đầu người đạt 610 kg, đạt 109% NQ. Hình thành nên các mô hình điển hình: HTX Nông - lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, HTX khởi nghiệp Thành Công… Xây dựng nên các sản phẩm đặc trưng của huyện, với 17 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn; trồng mới trên 5.591 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 62%; có 522 hộ tiếp cận vay vốn với tổng kinh phí 51,1 tỷ đồng; hình thành 98 gia trại, thụ tinh nhân tạo thành công 629 ca cải tạo giống trâu, bò. Phát triển nguồn nhân lực nông thôn với việc tổ chức được 94 lớp nghề cho trên 3.858 người lao động…
Đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Huyện Bắc Mê là một trong số ít các huyện có cơ chế riêng cho thực hiện xã, thôn điển hình về kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó là triển khai các mô hình và tìm ra thế mạnh của từng vùng trong việc tập trung phát triển lĩnh vực như: Tổ chức lại sản xuất, đưa giống mới vào sản xuất; dồn điền, đổi thửa, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Với định hướng: Tập trung cho việc hỗ trợ trồng cây vụ đông, mua bao bì gạo chất lượng cao, mua máy cấy, máy thái cỏ, hỗ trợ mua trâu, bò, lợn cho hộ nghèo và cận nghèo theo hình thức đầu tư có thu hồi, hỗ trợ trồng cây ăn quả, nuôi cá… Qua đó, huyện đã hoàn thành và vượt nhiều tiêu chí như: Tiêu chí thu nhập có 3/6 xã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; tiêu chí giá trị thu hoạch sản phẩm bình quân/ha đạt 50 triệu đồng có 6/6 xã và 13/43 thôn; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 12% có 3/6 xã và 13/43 thôn; có 4/6 xã đạt tiêu chí phát triển HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật năm 2012 và 13/43 thôn đạt tiêu chí thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp…”
Với ý nghĩa tạo nên các sản phẩm đặc thù, thế mạnh, sản xuất thành hàng hóa đem lại thu nhập chính cho người dân, từ những nỗ lực của chính quyền địa phương và nội lực của người dân đã góp phần khơi dậy, hình thành nên những sản phẩm đặc trưng và tạo nên sự đổi thay trên các xóm, làng tạo cho người dân một cuộc sống ấm no và bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc