Tích cực đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào cuộc sống
BHG - Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ rừng, xây dựng NTM, làm giảm các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và đảm bảo độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Quỹ) đã và đang nỗ lực đưa chính sách chi trả DVMTR vào cuộc sống.
Nhờ làm tốt chi trả DVMTR đã giúp cho rừng đầu nguồn Chí Sán (Mèo Vạc) được bảo vệ, phát triển. |
Thời gian qua, việc chi trả DVMTR được công khai, minh bạch, rõ ràng; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm từ tỉnh, huyện, xã; quy định rõ trách nhiệm theo phân cấp quản lý. Việc rà soát, xác định diện tích rừng và trả tiền đến từng cá nhân, hộ dân, cộng đồng dân cư và UBND xã đã xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ rừng trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR gắn với bảo vệ rừng. Mặt khác, việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng và bưu điện được khách quan và công khai, đảm bảo không xảy ra thất thoát trong quá trình thực hiện chi trả và giảm nguy cơ sai phạm trong việc chi trả.
Tính đến tháng 9.2020, tổng số tiền đã thu và tồn năm 2019 chuyển sang trên 175,7 tỷ đồng, trong đó, tiền DVMTR trên 172,8 tỷ đồng; tiền trồng rừng thay thế trên 2,9 tỷ đồng; mở 171 tài khoản ngân hàng (8 tài khoản của chủ rừng là tổ chức, 163 tài khoản của UBND cấp xã). Việc chi trả được ngân hàng thực hiện trên 26,3 tỷ đồng, chiếm 21,8% so với tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR; Bưu điện tỉnh thực hiện trên 94,3 tỷ đồng, chiếm 78,2% so với tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR. Để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc đối với năm đầu thực hiện chi trả tiền DVMTR đến cá nhân, hộ dân và UBND cấp xã quản lý, sử dụng tiền đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra toàn diện kết quả rà soát, xác định diện tích rừng và chi trả DVMTR tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp đã tiến hành thanh tra chuyên đề tại một số địa phương. Trong quá trình chi trả tiền DVMTR cho cá nhân, hộ dân, cộng đồng dân cư, Ban điều hành Quỹ đã giám sát chi trả 147 điểm/163 điểm chi trả tiền DVMTR.
Đồng chí Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là Ban điều hành Quỹ chưa được bố trí biên chế cụ thể. Với nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nguồn tiền thu được tương đối lớn, đối tượng chi trả rộng nên việc bố trí biên chế để ổn định, đảm bảo vị trí việc làm cho người lao động là rất cần thiết. Mặt khác, do năm đầu thực hiện chi trả tiền DVMTR đến chủ rừng là cá nhân, hộ dân nhưng đa số chưa được giao rừng, việc chi trả căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nên gặp khó khăn do có sự sai lệch vị trí thực tế quản lý với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Khi phát sinh khiếu nại của người dân phải kiểm tra, rà soát lại nên quá trình giải ngân kéo dài. Một số thôn có tập quán cộng đồng, toàn dân cùng tham gia bảo vệ rừng nên không muốn chi trả theo kết quả rà soát cho từng hộ mà thực hiện theo hình thức cử người đại diện nhận tiền và họp thống nhất chia cho các hộ hoặc theo hình thức cả cộng đồng cùng sử dụng chung. Một số Ban kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR cấp huyện hoạt động hạn chế; một xã lúng túng trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR đối với diện tích rừng được giao quản lý, làm chậm tiến độ giải ngân tiền cho cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng. Thực hiện chi trả theo diện tích đất rừng được giao nên giữa các hộ có sự chênh lệch khá lớn; một số công ty thủy điện chây ỳ, chậm trả tiền DVMTR.
Để tiếp tục đưa chính sách chi trả DVMTR vào cuộc sống, Quỹ tích cực tham mưu các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở gắn với nhiệm vụ chuyên môn để kịp thời uốn nắn, ngăn ngừa sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại cơ sở. Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn UBND cấp xã việc quản lý, sử dụng nguồn tiền DVMTR gắn với công tác bảo vệ rừng đối với những diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý; xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị sử dụng DVMTR còn nợ đọng kéo dài, để đảm bảo nguồn thu đúng, đủ theo kế hoạch. Phối hợp với đơn vị dịch vụ chi trả tổ chức thanh toán tiền DVMTR cho các chủ rừng, cộng đồng nhận khoán tại 2 xã Quản Bả và Tả Ván, huyện Quản Bạ để kết thúc quá trình chi trả trên địa bàn toàn tỉnh.
Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách chi trả DVMTR gắn với quản lý, bảo vệ rừng. Hướng dẫn, đôn đốc chủ rừng, UBND cấp xã, tổ chức được giao quản lý rừng rà soát và hoàn thiện hồ sơ, chứng từ phục vụ công tác chi trả tiền DVMTR năm 2021 theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo hộ nhận khoán khắc phục diện tích rừng bị thiệt hại; nghiệm thu, kiểm tra, đánh giá kết quả chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, nghiệm thu chuyển giao thành rừng của các hộ nhận khoán theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt và các quy định hiện hành.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc