Chuyện về những lá đơn thoát nghèo ở Bắc Mê

10:45, 15/12/2020

BHG - Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Mê đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường lại suất hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn.

Anh Đặng Văn Xiếp, thôn Bản Trà, xã Yên Cường viết đơn xin thoát nghèo.
Anh Đặng Văn Xiếp, thôn Bản Trà, xã Yên Cường viết đơn xin thoát nghèo.

Trên địa bàn huyện Bắc Mê, còn không ít hộ có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí còn thể hiện rõ quyết tâm “bám trụ” hộ nghèo vì khoảng cách giữa nghèo, cận nghèo, thoát nghèo không nhiều. Chuyện giảm nghèo cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn.

Ông Dìn Văn Cải, Trưởng thôn Bản Nghè, xã Yên Cường, cho biết: Thôn có 86 hộ thì có 21 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo. Năm 2020, có nhiều hộ thoát nghèo nhưng vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Có những hộ còn xin được nghèo để con đi học được hỗ trợ! Vào dịp cuối năm, thời điểm bình xét hộ nghèo là cả trăm mối trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên, bởi lẽ bà con đua nhau thích… nghèo. Hộ này cạnh tranh hộ kia, thắc mắc vì gia đình tôi chưa được nghèo lần nào, có nhà được 2 - 3 lần vào hộ nghèo.

Đơn cử như hộ ông Tráng Văn Vỹ, thôn Bản Nghè nghèo lâu quá nên năm 2020 họp thôn, dân bỏ phiếu cho ra khỏi hộ nghèo. Một số hộ cho rằng, việc đưa họ ra khỏi danh sách hộ nghèo không công bằng, làm mất quyền lợi... Thậm chí, có hộ được xét cận nghèo nhưng vẫn không bằng lòng. Ông Đặng Văn Đằng, thôn Bản Nghè, chia sẻ: Nhà tôi thuộc diện nghèo 3 năm nay, nên phải xin ra để nhường xuất nghèo cho nhà khác, sau một năm mà vẫn nghèo tôi lại làm đơn xin vào.

Chuyện tưởng chừng ngược đời nhưng rất thật có lẽ không chỉ xảy ra ở một thôn, mà tư tưởng ấy còn ở không ít bộ phận người dân các thôn, xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Sở dĩ nhiều hộ không muốn thoát nghèo, là khi thoát nghèo rồi, họ không được hưởng chế độ, như: Không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, con cái không được miễn giảm học phí, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Nhưng, những ngày đầu tháng 12 này, có dịp đến xã Đường Âm, chúng tôi được nghe lãnh đạo xã kể chuyện của những gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Anh Triệu Văn Thành, thôn Độc Lập, cho biết: “Năm 2020, được hỗ trợ theo Quyết định 1953 của BTV Tỉnh ủy, gia đình dành dụm được ít tiền nên quyết định dựng căn nhà khang trang. Trước đây, tôi được bố mẹ chia cho 4.000 m2 nương. Cuộc sống rất khó khăn vì thu nhập chỉ dựa vào hạt thóc, hạt ngô, ngoài ra, tôi còn tích cực tìm việc làm thêm, nên gia đình có thêm nguồn thu. Mặc dù còn khó khăn nhưng tôi đã viết đơn xin thoát nghèo”.

Xã Yên Cường là một trong những địa phương vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Bắc Mê, tuy nhiên công tác giảm nghèo trong thời gian gần đây đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2020, tổng số hộ nghèo 375/415, giảm 40 hộ. Trong đó, có 13 gia đình viết đơn xin thoát nghèo. Anh Đặng Văn Xiếp, thôn Bản Trà là một trong những hộ dân viết đơn xin thoát nghèo với suy nghĩ rất tích cực, làm gương cho đồng bào. Anh chia sẻ: Mình phải tự giác, tự vươn lên, tự cố gắng không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, bản thân tôi đã viết đơn xin thoát nghèo.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự thân muốn thoát nghèo. Những lá đơn đầu tiên xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của các hộ dân xã Yên Cường, Đường Âm có thể xem như “luồng gió mát” thổi vào công cuộc giảm nghèo ở Bắc Mê.

Đồng chí Ma Văn Tỏe, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết: Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 28,9% xuống còn 27,36%. Tuy nhiên, việc giảm hộ nghèo, cận nghèo vô cùng khó khăn. Vì vậy, ngay từ đầu năm huyện đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, giao chỉ tiêu cho từng xã và xác định giảm nghèo cho từng hộ. Phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Khai thác tiềm năng, lợi thế, không để đất trống, tích cực chăn nuôi tăng thu nhập, giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm; nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huy động trên 8.225 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020

BHG - Giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đạt trên 8.225 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ chương trình trên 2.731 tỷ đồng; nguồn lực khác 4.344 tỷ đồng; nguồn lực huy động lồng ghép từ các chương trình gần 1.151 tỷ đồng.

 

15/12/2020
Bắc Quang, chặng đường mới

BHG - Với những thành tựu nổi bật trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) là tiền đề quan trọng để giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bắc Quang bước sang chặng đường mới – xây dựng huyện NTM.

14/12/2020
Kỳ vọng mới ở Phương Tiến

BHG - Hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cùng với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) vững bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025 với những kỳ vọng mới.

14/12/2020
Làng người Dao kiểu mẫu ở Hùng Tâm

BHG - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Quang, Lương Tiến Dũng cho biết: Hùng Tâm là thôn người Dao chiếm đa số, có rất nhiều điều mới ở xã NTM Hùng An (Bắc Quang). Tôi đã mục sở thị đến Hùng Tâm và cũng ngỡ ngàng vì Hùng Tâm có rất nhiều cái để nhớ, để học...

14/12/2020