Phát triển bền vững thương hiệu cam Hà Giang
BHG - Cây cam ngày càng khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của quả cam. |
Hiện nay, diện tích cam trên địa bàn tỉnh có hơn 8,5 nghìn ha, chiếm trên 94% tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh, tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình. Cơ cấu chủ yếu là các giống có thời gian chín trung bình từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, gồm: Cam Sành, cam Giấy, Xã Đoài, Cao Phong…, trong đó, cam Sành chiếm hơn 80% diện tích cam toàn tỉnh. Năm 2019, sản lượng cam toàn tỉnh đạt trên 76.000 tấn, giá trị sản xuất ước đạt hơn 990 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2016, sản phẩm cam Sành được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cam Sành của tỉnh.
Cam Sành Bắc Quang. Ảnh: TƯ LIỆU |
Để thương hiệu cam Hà Giang phát triển bền vững, thực sự trở thành cây kinh tế chủ lực, tỉnh ta đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nhiều kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị; đặc biệt là khuyến khích sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh, uy tín sản phẩm. Tính đến năm 2019, diện tích cam Sành toàn tỉnh áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 4,2 nghìn ha với 3.554 hộ trồng cam/68 tổ hợp tác và HTX được cấp chứng nhận VietGAP. Việc triển khai sản xuất VietGAP đã tạo nên các mối liên kết, hình thành các tổ chức sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 4 HTX và 64 tổ sản xuất, bước đầu hoạt động của các cơ sở đã có sự thống nhất, giám sát lẫn nhau cũng như chủ động tìm kiếm thị trường, đưa hàng vào các siêu thị để tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với chú trọng phát triển diện tích cũng như nâng cao chất lượng cam, ngành công nghiệp chế biến nông sản và sản phẩm cam Sành trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những bước phát triển mới, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Một số cơ sở chế biến sản phẩm từ cam tiêu biểu, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu (thị trấn Vị Xuyên – Vị Xuyên); HTX Phú Vinh (thị trấn Việt Quang – Bắc Quang); HTX Nông nghiệp xanh (xã Bằng Lang – Quang Bình)… Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam cũng được tỉnh quan tâm; qua đó, giúp người trồng cam yên tâm sản xuất. Công tác tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại và khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam được đẩy mạnh, có chọn lọc, như: Tổ chức đưa các doanh nghiệp, HTX có sản lượng cam lớn đi xúc tiến, kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước… Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn để tiêu thụ, như: Vinmart, Hapro, Big C…
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, hạn chế mà người trồng cam đang đối diện. Cụ thể, do tỉnh cách xa các trung tâm thương mại, giao thông duy nhất là đường bộ nên chi phí vận chuyển cao, ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm. Số cơ sở, doanh nghiệp chế biến cam trên địa bàn còn khiêm tốn; chất lượng nguyên liệu cam chế biến còn nhiều bất cập như kích thước không đều, tỷ lệ cốt cam đạt thấp…
Để tiếp tục phát triển bền vững cây cam, còn nhiều vấn đề tiếp tục được đặt ra cho ngành chuyên môn, trong đó có việc cần khắc phục các nhược điểm, hạn chế của cam, như: Giá trị thấp, mẫu mã xấu, nhiều hạt, chua, không rải vụ, phạm vi tiêu thụ hẹp,… cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm; quản lý việc phát triển diện tích cây ăn quả có múi đảm bảo đúng định hướng phát triển của tỉnh… Ngoài ra, cần có phương án xây dựng vườn cây ăn quả có múi thành vườn mẫu và gắn sản xuất cây ăn quả có múi với phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc