Tăng cường xúc tiến thương mại nông sản
BHG - Những năm qua, cùng với việc xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất nông sản, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao; tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết, hợp tác với các tỉnh thành trong và ngoài nước nhằm tạo kênh cung ứng sản phẩm an toàn và thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương.
Sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh được trưng bày tại Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. |
Cụ thể, Sở Công thương chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, liên kết, hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước. Đã hỗ trợ 5 đơn vị là đầu mối xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành vào hệ thống siêu thị Vinmart được 180 tấn. Hỗ trợ 3.200 hộp đựng cam và 745.094 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Sành Hà Giang cho 5 đơn vị tiêu thụ. Xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của tỉnh năm 2020. Ký kết hợp đồng triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản của tỉnh với Cục Xúc tiến thương mại. Xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tại Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tăng cường quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm, tuần hàng và kênh phân phối của một số tỉnh thành, nhờ đó nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh đã được người tiêu dùng cả nước biết đến, sản lượng bán ra hàng năm tăng đáng kể. Như tại Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 7 vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của 11 huyện, thành phố và nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo người tiêu dùng. Rất nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, gạo Già dui, thịt bò Cao nguyên đá, rượu ngô… đã được du khách tham gia Ngày hội tìm mua. Qua đó, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh đến các nhà phân phối và người tiêu dùng trong cả nước.
Cùng với đó, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang và kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Hợp tác với Sở Công thương Hà Nội về kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại tại tỉnh Hà Giang, hợp tác xây dựng hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, liên kết trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, khai thác thu mua hàng hóa do Hà Giang sản xuất. Tăng cường kết nối giao thương để các doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp phân phối trong cả nước, kết nối xuất khẩu để đẩy mạnh hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hóa, giảm thiểu lượng hàng hóa tồn kho, góp phần tăng giá trị của các sản phẩm, khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Không chỉ chú trọng liên kết, hợp tác trong nước, ngành Công thương đã chủ động tham mưu đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thông qua việc duy trì phối hợp tổ chức các đoàn khảo sát thị trường và các hội chợ thương mại quốc tế đã giúp cho việc nắm bắt thị trường của hai bên được thông suốt. Việc công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Xín Mần – Đô Long đã tạo điều kiện để nhân dân, doanh nghiệp hai bên giao lưu, trao đổi hàng hóa và tạo cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế vùng biên mậu.
Với mục tiêu chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Sở Công thương đã tăng cường các chuyến thăm, làm việc với Cục Thương vụ và Cục Quản lý hành chính Công thương châu Văn Sơn. Hai bên đã cùng nhau đưa ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa. Nhờ đó, việc hợp tác quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu diễn ra tương đối ổn định, hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới khá sôi động, các mặt hàng đa dạng phong phú, nhất là các mặt hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân hai bên biên giới.
Lãnh đạo Sở Công thương khẳng định: Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài nước đã đem đến cơ hội tốt để các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tăng cường nắm bắt thông tin về thị trường, từ đó tìm giải pháp hữu hiệu cho đầu ra các loại nông sản một cách bền vững. Thời gian tới, ngành sẽ chủ động tham mưu cho tỉnh tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và tập trung vào những mặt hàng chủ lực, các chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết, hợp tác trong xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Xây dựng, mở rộng chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng để phát huy được lợi thế so sánh vùng đối với các sản phẩm hàng hóa đặc thù, đặc sản của tỉnh…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG