Nông nghiệp - "trụ đỡ" kinh tế
BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2030 xác định Nông nghiệp là lĩnh vực trọng yếu, một trong ba “trụ đỡ” phát triển kinh tế. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh và đảm bảo sinh kế, giảm nghèo cho người dân ở nông thôn.
Gia trại chăn nuôi của HTX Ngọc Bích, thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải (Yên Minh). |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phùng Viết Vinh cho biết: Nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngành Nông nghiệp được giao triển khai thực hiện 6 chỉ tiêu lớn và một chương trình trọng tâm. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa nghị quyết bằng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và các kế hoạch, phương án, dự án về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tham mưu cho tỉnh ban hành được cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Nghị quyết 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh; cụ thể hóa các quy định của T.Ư bằng Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Đến thời điểm này, ngành Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành đạt và vượt 5/6 chỉ tiêu kế hoạch đề ra như: Giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất canh tác cây hàng năm ước đạt 50 triệu đồng, tăng 17,8% so với năm 2015; tỷ trọng chăn nuôi dự kiến đến hết năm 2020 đạt 30% trong cơ cấu ngành; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 58%, tăng 3,2% so với năm 2015; tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 86%, so với năm 2015 tăng 14,5%; đã có 38 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, vượt 8 xã so với chỉ tiêu và dự kiến đến hết năm 2020 có 45 xã đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 25,4% số xã toàn tỉnh), tăng 34 xã so với năm 2015. Riêng chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực dự báo chỉ đạt 40,6/42 vạn tấn, đạt 96,7% nghị quyết. Tuy nhiên, con số này vẫn đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với những kết quả trên, nhiệm vụ quan trọng và là điểm nhấn trong lĩnh vực nông nghiệp 5 năm qua là Chương trình trọng tâm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện: 85% dân số sống ở khu vực nông thôn được đảm bảo về sinh kế, góp phần giảm nghèo hiệu quả; nhiều loại cây cây con chủ lực có thế mạnh, lợi thế của tỉnh và các huyện, thành phố đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, đảm bảo các điều kiện về sản xuất an toàn, có đầy đủ tem nhãn, bao bì truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, một số chương trình, đề án, dự án đã để lại dấu ấn tích cực, góp phần phát triển ngành Nông nghiệp như Nghị quyết số 209, 86 của HĐND tỉnh đã giải ngân được trên 667,7 tỷ đồng cho 7.447 hộ. Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh đã giải ngân gần 38,2 tỷ đồng, chiếm 95% tổng số nhu cầu vốn vay. Đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện phát triển nửa triệu con đại gia súc và phát triển sản xuất hàng hóa với nhiều sản phẩm đã có sản lượng lớn, dần mở rộng và duy trì ổn định thị trường tiêu thụ như: Cam, chè, gỗ, mật ong Bạc hà...
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới: ”Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp”. Điều này khẳng định Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Tỉnh ủy đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh 6 chỉ tiêu lớn của ngành và xác định tập trung trọng tâm, trọng điểm phát triển nông nghiệp đặc thù hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch cùng những giải pháp cụ thể, phù hợp để thực hiện. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phùng Viết Vinh chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: Duy Tuấn