Nông nghiệp nhiều đổi thay sau tái cơ cấu
BHG - Năm 2015, tỉnh ta ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 (Đề án), với mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây trồng hàng năm; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trồng cà chua trong nhà lưới tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Qua đánh giá cho thấy, ngành Nông nghiệp chiếm tới 31,10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây là lĩnh vực hoạt động của 148.554 hộ dân; giải quyết sinh kế cho khoảng 724.158 người dân nông thôn; tạo việc làm cho trên 456.273 lao động khu vực nông thôn. Để nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây trồng hàng năm; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân, trong quá trình triển khai Đề án, tỉnh ta đã tập trung vào những cây, con có thế mạnh như cam, chè, dược liệu; trâu, bò, ong...
Đối với cây cam, tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị cam đến năm 2020 có 5.000 ha cam kinh doanh ổn định; trong đó 70% sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, có 38 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Cam Sành Hà Giang”. Diện tích cam trên địa bàn tỉnh hiện có 8.700 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 6.755 ha; niên vụ 2019 - 2020 sản lượng thu hoạch đạt 60.845 tấn. Giá trị sản xuất cam năm 2019 đạt trên 990 tỷ đồng, chiếm 14,8% giá trị ngành trồng trọt. Sản phẩm cam VietGAP đã được bán tại hệ thống siêu thị Vinmart, Big C...
Mục tiêu của Đề án đối với cây chè là đến 2020, toàn tỉnh có 17.000 ha chè kinh doanh; trong đó 70% diện tích theo VietGAP hoặc hữu cơ; giá trị sản xuất chè búp tươi đạt 323,765 tỷ đồng. Đến nay, tổng diện tích chè tỉnh ta hiện có 20.817 ha; diện tích cho sản phẩm đạt 17.900 ha; sản lượng đạt trên 70.000 tấn/năm; đã cấp chứng nhận theo các tiêu chuẩn GAP cho 8.847,5 ha/67 vùng/9.707 hộ tham gia, trong đó theo tiêu chuẩn VietGAP cho 3.230,4 ha/36 vùng/3.970 hộ; theo các tiêu chuẩn hữu cơ là 5.617,2 ha/31vùng/5.995 hộ. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành chè đem lại 654 tỷ đồng, chiếm 9% giá trị của ngành trồng trọt. Tỉnh ta đã đưa vào khai thác, sử dụng phần mềm quản lý toàn bộ diện tích chè được chứng nhận GAP trên nền bản đồ VN2000.
Để phát triển trâu, bò, tỉnh ban hành Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; ban hành kế hoạch phát triển tổng thể gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi bằng các giống địa phương để nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại thông qua hỗ trợ lãi suất vốn vay; duy trì và mở mới hoạt động các chợ gia súc để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm; quyết liệt thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, tổng đàn trâu, bò ước đạt 295.779 con; trong đó trâu 172.497 con; bò 123.282 con. Toàn tỉnh có 139 gia trại, trang trại chăn nuôi trâu, bò; đến hết năm 2020, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trâu, bò đạt 8.969,1 tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trâu, bò đạt 600,8 tỷ đồng, chiếm 22% giá trị ngành chăn nuôi.
Tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển giống ong nội giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, cơ chế hỗ trợ bảo tồn phát triển cây Bạc hà. Hiện, có 74 cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ với gần 53.981 tổ ong; sản lượng mật hàng năm đạt trung bình 246 tấn, trong đó sản lượng mật ong Bạc hà đạt trên 175 tấn. Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các cơ sở nuôi ong xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất mật ong, cấp chứng nhận VietGAHP cho 16 cơ sở trên địa bàn 4 huyện; chứng nhận HACCP trong sơ chế mật ong cho 7 cơ sở. Hiện, các sản phẩm mật ong Bạc hà đã được phân phối tại hệ thống siêu thị Vinmart, BigC...
Ngoài các cây, con thực hiện theo Đề án của tỉnh, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, các huyện, thành phố còn tập trung phát triển một số cây, con theo lợi thế, như huyện Vị Xuyên trồng được 53 ha Dưa hấu, doanh thu ước đạt 90 – 100 triệu đồng/ha/vụ; 9,7 ha Thanh long ruột đỏ, doanh thu ước đạt trên 600 triệu đồng/năm; 2,79 ha rau, hoa trong nhà lưới, lợi nhuận ước tính trên 900 triệu đồng/ha/năm; triển khai được 78 lồng cá/3.377m3/24 hộ nuôi tại các lòng hồ thủy điện, sản lượng trung bình đạt 2 tấn/lồng/năm, doanh thu trung bình 120 triệu/lồng/năm...
Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, huyện, thành phố, sự hưởng ứng tích cực của người dân, qua 5 năm thực hiện, ngoài các mục tiêu cốt lõi, đã hình thành các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác; thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa; hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sản lượng lớn có thị trường tiêu thụ, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, nâng cao sinh kế bền vững cho người dân.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ