Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác
BHG - Với mục tiêu lấy giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích canh tác hàng năm làm thước đo và đích đến, huyện Vị Xuyên đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm cây trồng.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân xã Phong Quang (Vị Xuyên) chuyển đổi vườn tạp trồng cây Thanh long ruột đỏ. Ảnh: Thiên Thanh |
Là địa phương có đất đai rộng lớn, các tiểu vùng khí hậu khác nhau, nguồn lao động dồi dào là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Phát huy lợi thế đó, trên cơ sở cụ thể hóa Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Vị Xuyên đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, thực hiện chuyển Là địa phương có đất đai rộng lớn, các tiểu vùng khí hậu khác nhau, nguồn lao động dồi dào là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Phát huy lợi thế đó, trên cơ sở cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện Vị Xuyên đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, thực hiện chuyển đổi khung thời vụ, thâm canh cây trồng, đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất; ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thị trường; chuyển diện tích không chủ động nước sang trồng các loại cây trồng có giá trị; duy trì thực hiện hiệu quả 63 cánh đồng mẫu “5 cùng“ với tổng diện tích trên 434 ha/2.100 hộ tham gia; nhân rộng hơn 500 ha lúa thuần chất lượng cao.
Người dân xã Phong Quang thu hoạch dưa hấu. Ảnh: AN GIANG |
Nhiều chương trình, phương án sản xuất nông nghiệp trọng tâm được triển khai mạnh mẽ để nâng cao thu nhập cho người dân, như: Chương trình liên kết trồng mía xuất khẩu với diện tích 89,68 ha; mô hình cá Chép ruộng quy mô 1,5 ha; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với tổng diện tích trên 2,73 ha, bình quân doanh thu đạt trên 1.840 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính trên 900 triệu đồng/ha/năm; mô hình dưa hấu vụ Xuân - hè với tổng diện tích thực hiện 64,5 ha tại các xã: Phong Quang, Trung Thành, Quảng Ngần, Thanh Thủy, năng suất ước đạt 12 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 80 triệu đồng/ha/vụ và phát triển chăn nuôi cá lồng trên hồ thủy điện...
Để người dân noi theo, tập thể cán bộ xã Phong Quang đã tận dụng diện tích đất trống trong khu vực trụ sở làm việc trồng cây mít Thái. Ảnh: TIẾN CHIẾN |
Qua đó, nông nghiệp của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ: Tăng trưởng bình quân toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 đạt 6,5%; phát triển nông nghiệp chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá, lấy giá trị gia tăng và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác làm thước đo sản xuất và đích đến. Chất lượng nông sản, sản phẩm an toàn ngày càng được nâng lên, được thị trường đón nhận. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt trên 56.671 tấn; sản lượng lương thực đạt 510kg/người/năm, năng suất lúa bình quân đạt trên 62 tạ/ha. Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất canh tác cây hàng năm đạt 65 triệu đồng/ha, tăng trung bình 3,38%/năm, tăng 9,3 triệu đồng so với năm 2015, tương đương mức tăng 16,7% so với giai đoạn trước; tiêu biểu có một số xã đạt cao, như: Đạo Đức 80 triệu đồng/ha; Phú Linh 80 triệu đồng/ha, Trung Thành 75 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 35 thôn điển hình về nông nghiệp đạt tiêu chí giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác với giá trị thu hoạch đạt từ 50 - 120 triệu đồng/ha. Hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa, như: Vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao xã Linh Hồ, Đạo Đức, Tùng Bá; vùng sản xuất dưa hấu xã Phong Quang, Trung Thành; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thị trấn Vị Xuyên; vùng trồng rau trong nhà lưới xã Đạo Đức, thị trấn Vị Xuyên.
Đạo Đức là xã điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, để nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất canh tác hàng năm, xã ứng dụng mạnh mẽ KHKT vào sản xuất; triển khai hiệu quả nhiều chương trình nông nghiệp trọng tâm, như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao; rau an toàn trong nhà lưới; mở rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích; đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước tưới, cằn cỗi sang trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả khác phù hợp, có giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, 100% diện tích đất canh tác được trồng các loại cây trồng có năng suất, giá trị. Năm 2020, giá trị thu hoạch trên diện tích đất canh tác của xã Đạo Đức đạt 80 triệu đồng/ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải, chia sẻ: Với mục tiêu đến năm 2025, giá trị thu hoạch sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác hàng năm đạt 76 triệu đồng/ha theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025; huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa họa công nghệ; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai quy hoạch các vùng cây, con hàng hóa trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu; xây dựng mô hình trình diễn cây trồng có năng suất, chất lượng, kháng bệnh tốt để nhân rộng; tập trung dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả các cơ chế, chính sách về tín dụng ưu đãi để phát triển nông nghiệp nông thôn.
BIỆN LUÂN