Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản địa phương

09:34, 23/10/2020

BHG - Những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân quan tâm. Qua đó, trở thành “điểm tựa” để nông sản địa phương phát triển bền vững.

Sản phẩm đặc trưng của huyện Quản Bạ được giới thiệu tại thành phố Hà Giang.                                                                                     Ảnh: LÊ HẢI
Sản phẩm đặc trưng của huyện Quản Bạ được giới thiệu tại thành phố Hà Giang. Ảnh: LÊ HẢI

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp và làng nghề; đặc biệt là sản phẩm ẩm thực nổi tiếng, sản xuất theo phương pháp truyền thống, thủ công, ít thay đổi về bao bì, mẫu mã; chưa có biện pháp quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nên chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, cần có biện pháp hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương hiệu một số sản phẩm đặc thù.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các đặc sản địa phương, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiều nỗ lực trong xác lập nhãn hiệu các đặc sản địa phương và đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận cho 7 sản phẩm, nhãn hiệu tập thể cho 18 sản phẩm. Cụ thể, đã xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm: Cam Sành, Hồng không hạt, Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, Gạo tẻ Già Dui Xín Mần; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Rau, hoa hồng; thịt bò vàng Đồng Văn; tinh dầu hồi, gạo tám thơm Bắc Mê; Thảo quả khô xã Cao Bồ, chổi chít thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên); thịt lợn đen, chè tuyết thành phố Hà Giang; đậu tương, củ cải nương Hoàng Su Phì; cam xã Yên Hà (Quang Bình); dược liệu Quản Bạ; chè xã Chế Là (Xín Mần)…

Những sản phẩm mang tên địa danh địa phương được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) dưới những hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu độc quyền sẽ giúp bảo đảm quyền sử dụng chung cho cả cộng đồng, các nhà sản xuất, doanh nghiệp. Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu; xây dựng dự án nghiên cứu khoa học, đăng ký bảo hộ SHTT; các chương trình khuyến công; chương trình xúc tiến thương mại… Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về SHTT, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản mang địa danh của tỉnh.

Việc xây dựng thương hiệu đưa lại nhiều lợi ích cho người sản xuất hưởng lợi trực tiếp, như: Sản phẩm có tem mác, bao bì, tem điện tử, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và khách hàng; được hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản địa phương, các huyện, thành phố đã tích cực đẩy mạnh việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 266 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Bên cạnh đó, ngành Công thương thường xuyên tổ chức đánh giá, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để từ đó có kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm đặc sản ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện nay, hoạt động duy trì, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần được đẩy mạnh, đầu tư chuyên nghiệp.

LÊ HẢI


Cùng chuyên mục

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở Mèo Vạc

BHG - Xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huyện Mèo Vạc có sự thống nhất trong hành động, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Hiện nay, các cuộc vận động xã hội sâu rộng do MTTQ huyện Mèo Vạc và các tổ chức thành viên phát động, triển khai ngày càng đi vào cuộc sống, được nhân dân tích cực hưởng ứng

 

22/10/2020
Đồng Văn phát huy quyền làm chủ của nhân dân

BHG - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Văn luôn xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó, phát huy hiệu quả quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân.

22/10/2020
Bắc Mê phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

BHG - Khi Bác Hồ đến thăm Hà Giang, Bác có nói: "Đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đồng thời, cải tiến nông cụ sản xuất; phát triển chăn nuôi gia súc; bảo vệ, trồng cây gây rừng". Khắc ghi 8 lời dạy của Bác, huyện Bắc Mê triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, liên kết sản xuất; phát huy những mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.

 

22/10/2020
Rừng Hoàng Su Phì giữ mãi màu xanh

BHG - Đến vùng đất phía Tây Hoàng Su Phì bất kể vào mùa nào cũng dễ dàng bắt gặp những cánh rừng tươi tốt. Để giữ màu xanh cho rừng, những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ngành liên quan, Ban quản lý (BQL) rừng Phòng hộ huyện Hoàng Su Phì đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát huy tính năng bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường của những cánh rừng phòng hộ. 

21/10/2020