Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ cam
BHG - Từ tháng 6 đến nay, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2020 – 2021; tổ chức Đoàn công tác kết nối thị trường tại một số tỉnh, thành trong cả nước; chỉ đạo quyết liệt các giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cam…
Người dân Hà Nội chọn mua cam Sành Hà Giang. |
Niên vụ 2020 – 2021, tổng diện tích cam toàn tỉnh trên 9.100 ha; diện tích cho thu hoạch 8.600 ha, sản lượng ước đạt trên 80.200 tấn. Trong đó, cam Sành khoảng 6.900 ha, diện tích cho thu hoạch trên 5.925 ha; trên 72% diện tích cam Sành cho thu hoạch được cấp chứng nhận VietGAP. Toàn tỉnh có 39 vùng cam với gần 3.700 ha được cấp chứng nhận VietGAP và được quản lý trên nền bản đồ VN 2000; tỉnh đã cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam cho 49 HTX, tổ sản xuất cam Sành với 1.800 hộ. Hiện, cam Hà Giang chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh; số ít tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội.
Một thực trạng đặt ra hiện nay là mặc dù diện tích được cấp chứng nhận VietGAP nhiều nhưng chất lượng, mẫu mã không đồng đều. Tỷ lệ cam đạt tiêu chuẩn loại 1 từ 4-5 quả/kg chỉ đạt 55% tổng sản lượng. Một số đơn vị sản xuất chưa thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, tình trạng quản lý tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chặt chẽ; người dân có tâm lý để cam cuối vụ, chờ tăng giá khiến rủi ro cao. Liên kết sản xuất và tiêu thụ của một số tổ sản xuất, HTX cam VietGAP với các hộ thành viên chưa chặt chẽ; việc thu hoạch, vận chuyển sau thu hoạch chưa đảm bảo nên quả cam dễ bị dập, giảm phẩm chất.
Vườn cam Sành của HTX sản xuất Nông, lâm nghiệp Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên) được cấp chứng nhận VietGAP. |
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2020 – 2021, trong đó có một số hoạt động nổi bật, như: Xây dựng phóng sự về cam Sành phát sóng trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam; lắp đặt pano ngoài trời; đẩy mạnh truyền thông số; tổ chức các đoàn tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; kết nối cung cầu; tham gia chương trình kết nối với nhà phân phối; tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành niên vụ 2020 – 2021 gắn với ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cung cấp sản phẩm cam vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và nhà máy chế biến; tổ chức Tuần lễ “Cam Sành và sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang” lồng ghép với “Không gian văn hóa, du lịch, thương mại tỉnh Hà Giang” tại Hà Nội… Bên cạnh đó, Liên minh HTX và Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm cam tại các chương trình liên kết, hội nghị, hội chợ, tuần lễ sản phẩm hàng hóa do Liên minh HTX Việt Nam và T.Ư Hội Nông dân tổ chức.
Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường các giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm. Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền: “Chất lượng sản phẩm là khâu đầu tiên, then chốt để xây dựng thương hiệu sản phẩm cam Hà Giang. Ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để tạo cầu nối tiêu thụ sản phẩm cam cho người dân”. Lãnh đạo các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và Hiệp hội cam Sành Hà Giang đều khẳng định, địa phương đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển bền vững đối với cây cam và xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, dự báo tình hình tiêu thụ cam năm nay gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh yêu cầu: Các cấp, ngành phải làm tốt công tác quản lý, là đầu mối kết nối thị trường; các HTX, tổ sản xuất và người dân cần năng động, sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội, lợi thế để tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt, thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản cam, dán tem truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Phải xây dựng được thương hiệu cam Hà Giang mạnh về chất lượng, mẫu mã”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN