Chuyển mình từ vùng kinh tế mới Thái Hà
BHG - Đã 44 năm kể từ khi những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới ở núi rừng phía Tây thành phố; diện mạo mới thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) đã khác nhiều.
Ông Phạm Văn Trung (bên trái) giới thiệu về những đổi thay của thôn Thái Hà. |
Thế hệ đi khai hoang dạo ấy giờ đã già, khi gian khó tạm lắng, họ cùng nhau ngồi ôn lại chuyện xưa cùng con cháu bên những mảnh sân vườn. Một trong những người dân đầu tiên đi khai hoang trên mảnh đất Thái Hà là ông Phạm Văn Trung, ông kể lại những hồi ức không quên của ngày đầu lên đây: Tháng 4.1976 có 50 gia đình, trong đó có 100 lao động và 200 khẩu ăn theo (trong thời kỳ bao cấp) từ xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Ngọc Đường, huyện Vị Xuyên (nay thuộc thành phố Hà Giang) được Ban Liên hiệp xã tỉnh Hà Giang và Ban Kinh tế của UBND huyện Vị Xuyên quy hoạch cho đi xây dựng, phát triển kinh tế vùng sản xuất nông nghiệp lấy tên là “Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Thái Hà” chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng: Gạch, ngói, vôi… Lúc đó UBND tỉnh Hà Giang đã quy hoạch và giao cho HTX Thái Hà 5 ha đất để sản xuất vật liệu xây dựng, đến năm 1991 được UBND tỉnh giao thêm 14,5 ha đất. Thời gian đó hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư nhiều, giao thông đi lại rất khó khăn, điện lưới chưa có, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất tưới tiêu còn hạn chế… Nhà ở lúc đấy chỉ là nhà lá tạm bợ, đời sống nhân dân chủ yếu hướng theo sản phẩm. Đến năm 1985 hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thì không có nhu cầu vật liệu xây dựng nên nhân dân trong thôn chuyển sang sản xuất mành trúc xuất khẩu cho Công ty Ngoại thương tỉnh rồi chuyển sang trồng chè, cà phê… Cho đến nay đã trải qua 11 ngành nghề.
Bà con trong thôn được tiếp cận với các chế độ, chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh theo Nghị quyết 209 và 86 về khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa. Cơ cấu phát triển kinh tế của thôn chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đời sống của người dân khá giả hơn với mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm. Hiện tại, 134 hộ đều có nhà xây khang trang, trong đó 40% là hộ giàu, còn lại đa số là các hộ khá. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều; tỷ lệ người dân trong thôn tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 100%.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường Phạm Minh Dư cho biết: Thái Hà là thôn có người dân chủ yếu quê ở tỉnh Thái Bình, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đi thực hiện phát triển kinh tế mới ở Hà Giang. Trong thời điểm mới lên xây dựng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn về cơ cấu tổ chức và hướng phát triển kinh tế. Tuy nhiên với chủ trương và định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, thôn Thái Hà luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và sự đầu tư về cơ sở vật chất. Thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh thế mạnh về nông nghiệp để triển khai các mô hình mới về chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân.
Bài, ảnh: Đức Ninh