Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất để phát triển KT – XH
BHG - Đất là tài nguyên vô cùng quý giá. vì vậy, việc quy hoạch và sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng đất tại thành phố Hà Giang. |
Toàn tỉnh hiện có trên 792.948 ha đất tự nhiên; trong đó, đất phi nông nghiệp chiếm 4,1%; đất chưa sử dụng chiếm 13,2%; đất nông nghiệp chiếm 82,7%. Tại các địa phương, có từ 68 - 94% diện tích đất tự nhiên được sử dụng cho nông nghiệp; một số huyện có diện tích đất chưa sử dụng cao như: Đồng Văn 19,61%; Bắc Mê 26,9%; Yên Minh 29,51%.
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được các cấp coi trọng và chỉ đạo sát sao, phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên đất, phục vụ cho các mục tiêu phát triển KT – XH của địa phương. Các huyện, thành phố tích cực xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ban hành bảng giá đất hàng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất luôn có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền. Nhờ vậy, công tác quy hoạch, sử dụng đất đạt nhiều kết qủa quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã có quy hoạch chung đô thị cho 11 huyện, thành phố và được điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2030; quy hoạch 1 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện cơ bản đồng bộ với quy hoạch phát triển KT – XH, quy hoạch đô thị, quy hoạch Nông thôn mới... làm cơ sở quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giai đoạn 2014 - 2018, UBND tỉnh đã quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 83 tổ chức với 221 dự án với tổng diện tích trên 1.580 ha; chủ động tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành 12 nghị quyết danh mục dự án có sử dụng đất, với tổng số 1.282 dự án, công trình; tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất 9.870,38 ha. Việc thu hồi đất được thực hiện nghiêm túc, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Các khoản thu liên quan đến đất đai được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; giai đoạn 2014 – 2018, tổng các khoản thu phát sinh từ đất đai trên địa bàn tỉnh là 424.670 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã thực hiện 56 cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; qua thanh tra đã phát hiện 6 tổ chức, 1.207 cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, với diện tích vi phạm là 1.414,6 ha đất; thực hiện thu hồi 1.414,6 ha và xử phạt vi phạm hành chính 52 trường hợp với số tiền trên 193 triệu đồng. Nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai có sử dụng đất đã quá 3 năm được UBND tỉnh quyết định thu hồi.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai gặp một số hạn chế, vướng mắc: Chất lượng lập quy hoạch chưa cao; dự báo về nhu cầu sử dụng cho các mục đích sử dụng đất chưa sát với thực tiễn, thường xuyên phải điều chỉnh, ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; thiếu gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển KT – XH; tình trạng cơi nới, xây dựng trái phép trên diện tích đất đã quy hoạch vẫn xảy ra. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót về thông tin người sử dụng đất, cấp sai diện tích đất, cấp trùng đối tượng, diện tích đất nông nghiệp, đất 3 loại rừng còn chồng lấn; công tác quản lý hồ sơ địa chính, lưu trữ một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu tính khoa học.
Để quản lý, sử dụng tài nguyên đất hợp lý, hiệu quả, góp phần phát triển KT – XH của tỉnh; các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự báo chính xác nhu cầu sử dụng các loại đất sát với thực tiễn; triển khai lập quy hoạch phát triển KT – XH gắn với quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
Các địa phương hoàn thành quy hoạch xây dựng trung tâm các xã, các khu dân cư tập trung có xu hướng phát triển thành đô thị; rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình sử dụng đất đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện; giải quyết dứt điểm đơn thư kiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật đất đai; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và phát triển đô thị.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc