Ngành chăn nuôi dần phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi

10:21, 26/03/2020

BHG - Sau khi tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cũng bắt đầu tái đàn trở lại để khôi phục kinh tế; góp phần cân đối nguồn thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường sau “cơn bão” dịch. Dù vậy, việc tái đàn cần được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng và phải đi liền với công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) để không tái dịch.

Là địa bàn chăn nuôi lợn trọng điểm của tỉnh, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, huyện Quang Bình phải tiêu hủy 1.653 con lợn, với tổng trọng lượng trên 64.000 kg; gây tổn thất và thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Với bài học kinh nghiệm quý giá sau hơn 1 năm quyết liệt PCDB, khi dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi; người chăn nuôi rục rịch tái đàn trở lại. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không nóng vội; quá trình tái đàn tránh tràn lan, chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, lưu ý chọn con giống đạt chất lượng, mua ở những cơ sở có uy tín. Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại theo định kỳ. Với quan điểm tái đàn không tái dịch, hiện tổng đàn lợn toàn huyện có trên 66.000 con, tăng dần so với thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Anh Hoàng Chiến Binh, tổ 1, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đàn lợn phát triển khỏe mạnh.
Anh Hoàng Chiến Binh, tổ 1, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đàn lợn phát triển khỏe mạnh.

Chị Nguyễn Thị Nga, thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh cho biết: “Năm ngoái, do dịch bệnh, đàn lợn nhà tôi không bị lây nhiễm nhưng vẫn phải bán phá đàn nên thua lỗ nặng. Bây giờ mặc dù đã hết dịch, nhưng tôi cũng không dám nuôi nhiều; mỗi đợt chỉ nuôi tầm 70 - 80 con, bằng 10% so với thời kỳ trước. Để bảo vệ an toàn cho vật nuôi thì phòng bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu, nên trước khi tái đàn, tôi đã khử trùng toàn bộ chuồng trại; lợn giống được mua ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn và được tiêm vắc xin phòng một số bệnh nguy hiểm; để tránh rủi ro, trang trại hạn chế không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi. Tôi mong muốn tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các trang trại, gia trại được tiếp cận nguồn vồn vay ưu đãi để tái đàn, không gây lãng phí tiền đầu tư chuồng trại”.

Thời gian qua, toàn huyện Xín Mần đã thực hiện tái đàn được 288 hộ, với 843 con lợn. Trong đó, lợn nái là 229 con; lợn đực giống 112 con và lợn thịt đạt 502 con. Thực hiện các biện pháp tái đàn bền vững, huyện định hướng quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Để làm được điều đó, trước hết đòi hỏi những hộ chăn nuôi cần thay đổi nhận thức, nêu cao tinh thần chủ động trong việc PCDB. Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân buôn bán, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật phải có nguồn gốc, được cơ quan Thú y kiểm soát. Các đoàn kiểm tra liên ngành cần thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn ở các chợ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm - ông Ngô Văn Tăng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Xín Mần khẳng định.

Dù giá lợn hơi vẫn chưa “hạ nhiệt”, dao động ở mức 80.000 đồng/kg;  nhưng các hộ chăn nuôi tại huyện Vị Xuyên quyết không tái đàn ồ ạt mà thận trọng từng bước. Với tổng đàn lợn của huyện đạt 83.974 con, cơ bản vẫn đáp ứng đủ nhu cầu nguồn thịt lợn cho người dân. Anh Nguyễn Văn Chương, thôn Minh Thành, xã Trung Thành cho hay: “Tôi mở rộng trang trại nuôi lợn nhưng không may vào đúng lúc dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Lúc này, khi dịch lắng xuống, tôi tiếp tục nuôi trở lại; mỗi đợt chỉ khoảng 50 con kế đàn. Nhờ tuân thủ mọi quy định PCDB trong chăn nuôi, đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Trong 3 tháng đầu năm, tôi xuất chuồng được 3 tấn lợn hơi, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng”.

Qua thực tế cho thấy, việc tái đàn nếu áp dụng đúng các biện pháp đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, đàn lợn sẽ phát triển ổn định. Đây chính là hướng đi đúng đắn để người chăn nuôi học tập và làm theo, vừa giữ vững kinh tế của gia đình, tránh tình trạng khan hiếm và đẩy giá tiêu dùng ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu để giám sát chặt chẽ các khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong điều kiện các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chè Shan tuyết vào vụ Xuân
BHG - Hiện, những vùng chè Shan tuyết đã bắt đầu vào vụ Xuân, vụ chè được chờ đợi nhất trong năm bởi chất lượng của những búp chè sau một mùa Đông dài ấp ủ, hấp thụ dưỡng chất từ thiên nhiên.
 
26/03/2020
Tiên Kiều phấn đấu hoàn thành 6 tiêu chí để đạt chuẩn

BHG - Hết năm 2019, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2020, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bắc Quang chọn xã Tiên Kiều hoàn thiện 6 tiêu chí còn lại để đạt chuẩn NTM.

26/03/2020
Nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới

BHG - Thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM), sau 10 năm đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan, môi trường, tạo nên nhiều vùng quê đáng sống trên địa bàn tỉnh. Phát huy những thành quả đạt được, năm nay, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn NTM và tăng tiêu chí với các xã còn lại, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

26/03/2020
Hoàng Su Phì tập trung thực hiện các mô hình kinh tế

BHG - Thu nhập được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), cũng là một trong những tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương thuần nông, vùng sâu, vùng xa. Để đạt tiêu chí này, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế điển hình để nhân dân học tập, làm theo; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

26/03/2020
Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín