Hoàng Su Phì tập trung thực hiện các mô hình kinh tế

10:21, 26/03/2020

BHG - Thu nhập được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), cũng là một trong những tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương thuần nông, vùng sâu, vùng xa. Để đạt tiêu chí này, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế điển hình để nhân dân học tập, làm theo; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung thực hiện các chương trình nông nghiệp trọng tâm và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chỉ đạo của tỉnh. Chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung phát triển các cây trồng chủ lực của địa phương gồm: Cây chè, cây ăn quả và cây dược liệu.

Người dân xã Túng Sán thu hái chè.
Người dân xã Túng Sán thu hái chè.

Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây chè cùng với chất lượng thơm, ngon hơn hẳn so với nhiều vùng chè khác. Xác định được thế mạnh này, huyện đã vận động nhân dân mở rộng diện tích, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng vườn chè. Đến nay, toàn huyện có 4.652 ha chè; trong đó, có 3.520 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 13.000 tấn, giá bán bình quân 8.000 - 10.000 đồng/kg, tổng giá trị thu nhập đạt khoảng 120 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân của các hộ trồng chè đạt khoảng 50 – 80 triệu đồng/năm, đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Cùng với đó, huyện tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển cây ăn quả bản địa gồm lê và mận Máu, đây là những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Với nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân; trong năm 2019, toàn huyện trồng mới được 332 ha, nâng tổng số diện tích lê và mận Máu toàn huyện lên 739,7 ha. Hiện nay, diện tích mận Máu cho thu hoạch là 25 ha, sản lượng đạt 37,5 tấn; giá bán 40.000 đồng/kg, giá trị thu nhập khoảng 1.875 triệu đồng. Diện tích cây lê cho thu hoạch là 49,19 ha, năng suất bình quân 40 tạ/ha; giá bán khoảng 15 – 20.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt trên 7 tỷ đồng.

Chăn nuôi cũng là lĩnh vực được huyện đặc biệt chú trọng hướng đến sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Huyện tập trung thực hiện Đề án nửa triệu con đại gia súc và vận động nhân dân chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại và đẩy mạnh chương trình thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo, nâng cao thể trạng, tầm vóc đàn trâu, bò. Đến nay, toàn huyện có 35 gia trại và 2 trang trại gồm: Trâu, bò, lợn và gia cầm. Trong năm 2019, huyện xuất bán được 5.461 tấn thịt hơi các loại; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện đạt 330 tỷ đồng, chiếm 30,1% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp. Qua đó, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện cũng tập trung đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất cho nông dân bằng việc khuyến khích nhân dân liên kết sản xuất, thành lập các HTX, nhóm sở thích; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến nay, toàn huyện có 5.340 máy làm đất, 8.771 máy tuốt lúa có động cơ, 6.095 máy chế biến thức ăn thô xanh; tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 63%. Năm 2019, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác của huyện đạt trên 49 triệu đồng, tăng đáng kể so với năm 2015.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất cùng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân dân, đến hết năm 2019, thu nhập bình quân của huyện đạt 22,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 6%/năm. Hiện, toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí NTM. Trong đó, riêng tiêu chí thu nhập có 3 xã đạt. Đến năm 2020, phấn đấu thu nhập bình quân toàn huyện đạt trên 23 triệu đồng, có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM là xã Hồ Thầu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 3 xã.

Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thu nhập là tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt là đối với huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Hoàng Su Phì. Nhưng xác định, đây là tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy KT – XH địa phương và nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân nên huyện đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp dựa trên những cây trồng, vật nuôi thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới

BHG - Thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM), sau 10 năm đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan, môi trường, tạo nên nhiều vùng quê đáng sống trên địa bàn tỉnh. Phát huy những thành quả đạt được, năm nay, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn NTM và tăng tiêu chí với các xã còn lại, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

26/03/2020
Giá thịt lợn vẫn chưa "hạ nhiệt"

BHG - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp trên cả nước giảm giá lợn hơi. Tuy nhiên, tại thành phố Hà Giang giá thịt lợn vẫn còn ở mức cao.

26/03/2020
Chè Shan tuyết vào vụ Xuân
BHG - Hiện, những vùng chè Shan tuyết đã bắt đầu vào vụ Xuân, vụ chè được chờ đợi nhất trong năm bởi chất lượng của những búp chè sau một mùa Đông dài ấp ủ, hấp thụ dưỡng chất từ thiên nhiên.
 
26/03/2020
Tiên Kiều phấn đấu hoàn thành 6 tiêu chí để đạt chuẩn

BHG - Hết năm 2019, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2020, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bắc Quang chọn xã Tiên Kiều hoàn thiện 6 tiêu chí còn lại để đạt chuẩn NTM.

26/03/2020