HTX Nuôi ong Đức Giang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
BHG - Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương với nhiều vườn trồng nhãn, vải và rừng tự nhiên; từ khi đi vào hoạt động đến nay, Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong Đức Giang, tổ 9 thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên), đã tích cực đầu tư phát triển nghề nuôi ong áp dụng quy trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm mật ong sạch, thơm ngon, mang lại thu nhập cao cho các thành viên.
Anh Lê Văn Hồng, Giám đốc HTX nuôi ong Đức Giang kiểm tra sự phát triển của đàn ong. |
Được thành lập từ năm 2016, với tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng, HTX Nuôi ong Đức Giang hiện có 13 thành viên. Anh Lê Văn Hồng, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, các thành viên đều là các hộ nuôi ong có kinh nghiệm trên địa bàn, nhưng chủ yếu nuôi tự phát, sản phẩm mật ong chỉ mang tính tiêu dùng nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa; thực hiện liên kết phát triển sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với đó, HTX còn tích cực học hỏi kinh nghiệm các HTX nuôi ong ở các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc; nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm mật ong và từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong của HTX.
Hiện nay, trung bình mỗi hộ thành viên trong HTX duy trì nuôi từ 100 – 200 đàn ong/năm. HTX hiện có 1.000 đàn ong đang cho khai thác mật, đều là giống ong nội. Với hình thức nuôi bán tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình sản xuất sạch, an toàn; sản lượng và chất lượng mật không ngừng được nâng lên, bình quân đạt 8.000 lít mật/năm, với 3 loại mật gồm: Mật ong hoa vải, nhãn; mật ong hoa rừng và mật ong hoa Bạc hà; giá bán dao động từ 250 – 400.000 đồng/lít. Đồng thời, HTX cũng bán ong giống, bán thùng nuôi ong với giá từ 600 – 800.000 đồng/thùng ong giống. Doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Vũ Thành Duy, thành viên HTX, cho hay: “Gia đình tôi có truyền thống nuôi ong từ lâu, tuy nhiên chỉ để lấy mật dùng trong gia đình. Sau khi tham gia một số lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi ong của huyện, của xã và trở thành thành viên của HTX Nuôi ong Đức Giang, tôi đã mạnh dạn tăng đàn, chăn nuôi số lượng lớn. Đến nay, bình quân mỗi năm tôi nuôi từ 100 – 150 đàn ong. Diện tích vườn vải, nhãn, đồi keo của gia đình không đủ, tôi còn đem đàn đi gửi tại vườn, đồi nhà người thân. Những tháng cuối năm, tôi phải di chuyển đàn ong lên các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, thuê đất của người dân để đặt tổ nuôi ong, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn ong (sản phẩm mật ong hoa Bạc hà). Ngoài ra, tôi cũng thu mua thêm phấn hoa từ các tỉnh Sơn La, Lâm Đồng để đảm bảo nguồn thức ăn đều cho đàn ong trong mỗi đợt giao mùa, ít hoa. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi thu nhập được từ 150 – 200 triệu đồng từ bán mật và bán ong giống”.
Để cung cấp ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, thời gian tới, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các thành viên trong HTX Nuôi ong Đức Giang sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật nuôi ong; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mật ong; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, từng bước xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm mật ong, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ… qua đó, giúp các thành viên HTX yên tâm nhân rộng số lượng đàn, phát triển sản xuất sạch, an toàn, nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập từ nghề nuôi ong.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc