Hoàng Su Phì tập trung chăm sóc cây mận Máu
BHG - Thời điểm sau tết Nguyên đán, ở các xã Chiến Phố, Pố Lồ, Đản Ván, Thàng Tín (Hoàng Su Phì) tràn ngập trong sắc trắng của hoa mận. Không chỉ tô điểm cho vẻ đẹp của vùng đất phía Tây mà còn trở thành cây “làm giàu” của bà con nơi đây, bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất vụ Xuân, những ngày này, nông dân huyện Hoàng Su Phì đang tập trung chăm sóc diện tích mận Máu nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng mận niên vụ 2020.
Lãnh đạo huyện kiểm tra diện tích mận Máu trồng mới tại xã Chiến Phố. |
Là huyện vùng cao núi đất, Hoàng Su Phì có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây mận Máu. Trước đây, người dân chủ yếu trồng nhỏ lẻ xung quanh nơi ở để phục vụ nhu cầu của gia đình. Vài năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế mà loài cây ăn quả này mang lại, huyện đã vận động nhân dân mở rộng diện tích, quy hoạch vùng trọng điểm phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân thôn Sưi Thầu, xã Chiến Phố chăm sóc cây mận Máu. |
Ngược lên xã Chiến Phố - “thủ phủ” của cây mận Máu ở Hoàng Su Phì vào những ngày tháng 3, sắc trắng của hoa mận đang phủ kín khắp các sườn đồi từ thôn Nhìu Sang trải dài đến thôn Sưi Thầu, chúng tôi bắt gặp nhiều nông hộ đang cặm cụi chăm sóc vườn mận của gia đình. Anh Giàng Kháy Minh, một trong những hộ có diện tích mận lớn của thôn Nhìu Sang cho biết: “Mận Máu thường chín rộ vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm. Giờ đang là thời điểm cây ra hoa và đậu quả non. Đây cũng là giai đoạn thời tiết giao mùa, thường xảy ra các hiện tượng cực đoan như: Mưa đá, giông, lốc… làm hoa và quả non bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Do đó, các gia đình trong thôn đang tập trung chăm sóc cây. Cán bộ khuyến nông của huyện, xã thường xuyên hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật cắt tỉa cành, chăm bón cây mận Máu sau thu hoạch để đảm bảo năng suất cho niên vụ tới”.
Với kinh nghiệm trồng mận Máu lâu năm, anh Nùng Văn Tư, thôn Sưi Thầu, xã Chiến Phố cho biết: “Ngay sau khi thu hoạch mận Máu niên vụ trước, gia đình tôi đã tiến hành làm cỏ, bón phân cho cây. Sau tết Nguyên đán, gia đình tiếp tục phát quang xung quanh gốc mận, bón phân đợt 2 và cắt tỉa một số cành già, cành bị sâu bệnh để tăng khả năng quang hợp, giúp cây nhanh chóng phục hồi, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Khi cây bắt đầu đậu quả non, tiến hành chằng néo các cành cây lại nhằm hạn chế thấp nhất việc cây bị rụng quả do mưa, dông. Với giá bán cao, trong khoảng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, gia đình tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích cây mận Máu nhằm nâng cao thu nhập”.
Bằng nhiều chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ 100% giống cho các hộ trồng mận Máu trong vùng quy hoạch; 100% chi phí xây dựng mô hình; kinh phí cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm mận Máu Hoàng Su Phì… đến nay, toàn huyện có 382,9 ha mận Máu. Năm 2019, diện tích cho thu hoạch là 25 ha, sản lượng đạt 37,5 tấn; giá bán bình quân 40.000 đồng/kg; giá trị thu nhập khoảng 1.875 triệu đồng. Với sự tích cực, chủ động của người dân trong việc chăm sóc diện tích mận Máu, hứa hẹn niên vụ 2020 của huyện Hoàng Su Phì sẽ đạt năng suất, sản lượng cao; góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc