"Trái ngọt" nông sản tiêu biểu
BHG - Từ quyết sách của cấp ủy, chính quyền tỉnh; những nông sản vốn bình dị đã có bước tiến vượt bậc để khẳng định vị thế nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc giành danh hiệu, giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế là minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong chính sách phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, an toàn với người sử dụng.
Điểm bán hàng nông sản tại phường Trần Phú, thành phố Hà Giang quy tụ nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh. |
Hà Giang được biết đến là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để sản xuất một số cây trồng đặc sản, như: Cam Sành, Chè Shan tuyết, Hồng không hạt; Thảo quả, trồng cây Bạc Hà nuôi ong lấy mật... Đặc biệt, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020 của UBND tỉnh đã khuyến khích, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chè, cam được xác định là hai trong số những cây hàng hoá chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh và được trồng tập trung, nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Hiện, toàn tỉnh có trên 18,7 nghìn ha chè cho thu hoạch trong tổng số 20,8 nghìn ha chè; được trồng tập trung tại các huyện: Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quang Bình và Xín Mần… Trong đó, có 4.857 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 6.697 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Với năng suất 3,85 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh năm 2019 đạt trên 72.000 tấn. Cùng với chè, tỉnh ta còn có vùng trồng cam hàng hóa tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, với tổng diện tích lên đến 8,8 nghìn ha; trở thành cây làm giàu của nhiều nông hộ. Đặc biệt, hai cây trồng thế mạnh trên đã đưa tỉnh ta trở thành địa phương có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước và có vùng cam lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Các sản phẩm này đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng. Trong đó, cam Sành Hà Giang được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”. Còn sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Không chỉ tiêu thụ tại thị trường lớn trong nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh,… chè Shan tuyết Hà Giang còn có mặt tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và trên 20 quốc gia trên thế giới. Ấn tượng hơn, tại Cuộc thi Trà quốc tế năm 2019 tổ chức tại Pháp, có 17 quốc gia tham dự với 128 mẫu trà, Việt Nam giành 6 giải thưởng danh giá: Vàng, Bạc, Đồng đối với các dòng trà đến từ nhiều vùng, miền khác nhau. Tiêu biểu trong đó, sản phẩm Trà Shan Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh của HTX Tây Côn Lĩnh (xã Phương Độ - thành phố Hà Giang) đã giành 3 giải thưởng danh giá, góp phần tạo nên uy tín, danh tiếng chè Hà Giang trên trường quốc tế. Trong đó, Hồng trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh đoạt giải Vàng, Bạch trà giành giải Ấn tượng và Hồng trà Shan tuyết cổ thụ 1 búp Tây Côn Lĩnh đoạt giải Bạc.
Cùng với cam, chè, tỉnh ta cũng được biết đến với sản phẩm đặc trưng Mật ong Bạc Hà trên vùng Cao nguyên đá – nơi có khí hậu đặc trưng, thích hợp cho việc trồng cây Bạc Hà để nuôi ong lấy mật. Năm 2019, toàn tỉnh có trên 48,3 nghìn đàn ong với sản lượng mật thu hoạch ước đạt trên 336,9 tấn, với giá bán trên thị trường từ 350 – 500 nghìn đồng/lít. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn sở hữu trên 6,3 nghìn ha Thảo quả - vị thuốc, dược liệu quý, tốt cho sức khỏe. Trong đó, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần là những địa phương có diện tích Thảo quả lớn nhất tỉnh. Đặc biệt, giá trị thu nhập từ Thảo quả đạt hàng trăm tỷ đồng/năm đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của tỉnh; tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định, giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm nông nghiệp, công tác xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu của các cấp, ngành trong tỉnh từng bước đi vào chiều sâu. Từ đó, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, khảo sát, đánh giá thị trường để hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, lựa chọn sản phẩm sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và hình thành những thương hiệu sản phẩm có năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, nhiều sản phẩm hàng hóa của địa phương đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, như: Cam Sành, chè Shan tuyết Hà Giang; gạo tẻ Già Dui Xín Mần, Hồng không hạt Quản Bạ, Mật ong Bạc Hà Mèo Vạc, thịt Bò vàng Hà Giang.
Chỉ riêng giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh đã có 5 sản phẩm đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đưa tỉnh ta trở thành địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất trong tổng số 69 chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc. Qua đó, không những nâng tầm giá trị cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn giúp người nông dân yên tâm phát triển sản xuất, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc