Nghề đan quẩy tấu ở Thèn Chu Phìn

10:25, 13/12/2019

BHG - Trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất thường ngày của đồng bào Mông, chiếc quẩy tấu có vị trí rất quan trọng. Với địa hình núi dốc hiểm trở, quẩy tấu trở thành vật hữu dụng theo chân người Mông kể cả khi lên nương hay lúc xuống chợ. Ở xã Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì), đan quẩy tấu đã trở thành một nghề truyền thống, giúp gìn giữ nét đẹp riêng có của dân tộc và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Nghề đan quẩy tấu giúp gia đình anh Ma Seo Thề, thôn Lùng Chin Hạ có thêm thu nhập.
Nghề đan quẩy tấu giúp gia đình anh Ma Seo Thề, thôn Lùng Chin Hạ có thêm thu nhập.

Trong ngôi nhà trình tường nằm giữa bạt ngàn núi non hiểm trở, ông Ly Seo Giả, năm nay đã ngoài 60 tuổi vừa nhanh tay chẻ nan, công đoạn chuẩn bị cho việc đan quẩy tấu, vừa chia sẻ với chúng tôi: “Ở bản Mông này, từ khi mới sinh ra, những đứa trẻ đã được làm quen với quẩy tấu. Đến 5, 6 tuổi sẽ được người lớn đan riêng cho một chiếc, cứ như vậy, những chiếc quẩy tấu theo người Mông vào đời. Trẻ em thì mang quẩy tấu nhỏ, người lớn thì mang chiếc lớn hơn. Nói quẩy tấu gắn liền với đời sống người Mông là vì thế. Nhưng để làm ra những chiếc quẩy tấu thì không phải ai cũng biết đan vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu trong từng công đoạn”.

Để tạo ra những chiếc quẩy tấu bền, đẹp, phải sử dụng một loại vầu đặc biệt, gọi là vầu ngọt. Loại vầu này chỉ mọc ở vùng đất Thèn Chu Phìn, dưới chân dải Tây Côn Lĩnh, có độ dẻo và đốt thưa hơn so với các loại vầu khác. Vì vậy, quẩy tấu làm từ vầu ngọt ở xã Thèn Chu Phìn nổi tiếng trong và ngoài huyện bởi độ bền, đẹp riêng có.

Gắn bó với nghề đã hơn 20 năm, anh Ly Seo Páo, thôn Lùng Chin Hạ cho biết: “Nghề đan quẩy tấu đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ từ chọn cây, chẻ nan đến kỹ thuật đan. Những cây vầu được chọn thường không quá non, cũng không quá già, thân to, thẳng đều, chẻ lấy phần cật làm nan. Công đoạn chẻ nan cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật sao cho độ dày, mỏng vừa phải, khi đan sẽ dễ và cho ra những chiếc quẩy tấu đẹp mắt. Quẩy tấu được đan theo hình dáng miệng tròn, đáy vuông, kích thước tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Hiện nay, các hộ đã bắt đầu sản xuất những chiếc quẩy tấu có kích thước nhỏ hơn để phục vụ nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm của khách du lịch”.

Xã Thèn Chu Phìn có 367 hộ, 1.787 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở 4 thôn, bản. Tháng 7.2014, Làng nghề đan lát thủ công thôn Lùng Chin Hạ được công nhận với 40 hộ tham gia; đến nay, nhiều hộ ở 4 thôn của xã đều tham gia sản xuất, sản lượng hàng năm đạt trên 10.000 sản phẩm. Lao động có tay nghề cao, một ngày có thể đan từ 2 - 3 chiếc quẩy tấu, bình quân mỗi chiếc có giá bán từ 100 – 120 nghìn đồng.

Hiện nay, các sản phẩm quẩy tấu sản xuất ra thường được người dân đem bán lẻ ở chợ phiên trung tâm huyện, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, chính quyền địa phương đang tăng cường kết nối với các tư thương trong và ngoài tỉnh để thu mua quẩy tấu cho các hộ với mức giá ổn định, đồng thời kết nối với các công ty lữ hành để đưa quẩy tấu thành sản phẩm du lịch, phục vụ du khách.

Đồng chí Trịnh Công Hiển, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để nghề đan quẩy tấu được duy trì, phát huy và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tăng cường giới thiệu cho nhân dân các thị trường tiêu thụ, tư vấn cho bà con sản xuất một số mẫu quẩy tấu mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, có giải pháp khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới cây vầu để đảm bảo vùng nguyên liệu… Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực phát triển KT – XH định hướng thị trường

BHG - Kế hoạch phát triển KT - XH định hướng thị trường (MoSEDP) là một trong những hợp phần quan trọng của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang. Là một trong những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình CPRP, đến nay, các xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đã thực hiện đồng bộ kế hoạch MoSEDP nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

 

13/12/2019
Hoàng Su Phì tập trung phát triển cây vụ Đông

BHG - Nhiều năm qua, cây vụ Đông được huyện Hoàng Su Phì xác định có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Những loại cây ngắn ngày trồng trong vụ Đông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, giúp người dân nâng cao thu nhập.

 

12/12/2019
Họp bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam Sành niên vụ 2019 - 2020

BHG - Để cụ thể hóa các nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Vingroup, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của UBND tỉnh, sáng 12.12, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh chủ trì buổi họp nghe báo cáo tiến độ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2019 - 2020 vào hệ thống Vinmart. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên.

 

12/12/2019
Thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM tại xã Tùng Bá và Phương Tiến

BHG - Ngày 10.12, các sở, ban ngành của tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên tiến hành đánh giá, thẩm định mức độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM tại và 2 xã Tùng Bá và Phương Tiến.

11/12/2019