Bảo vệ "đầu cơ nghiệp" trong những ngày mùa Đông
BHG - Những ngày qua, không khí lạnh tràn về, nhiệt độ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xuống rất thấp, xảy ra rét đậm, rét hại. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, huyện, thành phố quyết liệt triển khai phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Người dân thôn Đầu cầu 2, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc kiên cố. Ảnh: Đại Tâm |
Xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) có 750 con trâu, bò. Cũng như mọi năm, ngoài việc tiêm phòng định kỳ, công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc trong những ngày giá rét được người dân quan tâm. Đồng chí Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trâu, bò là cơ nghiệp phát triển kinh tế của các gia đình. Mặc dù bà con có tập quán chăn thả gia súc tự nhiên, nhưng khi mùa Đông đến, họ đã tự ý thức, chủ động mua bạt, ni lông về che chắn chuồng trại, nuôi nhốt trâu, bò, thậm chí nhiều nhà còn may áo khoác giữ ấm cho gia súc. Hầu hết, bà con đã chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ, cỏ xanh và nấu bột ngô, cám gạo để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi”.
Người dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) cắt cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Mộc Lan |
Chị Ngọc Thị Nguyệt, thôn Nặm Ngặt chia sẻ: “Nhà tôi nuôi 8 con trâu sinh sản, đàn trâu là tài sản lớn nhất nên việc giữ ấm cho vật nuôi rất quan trọng. Trong năm, xã Thanh Thủy đã tổ chức cho chúng tôi ký cam kết thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn, phòng, chống đói, rét cho gia súc; mỗi con trâu, bò đảm bảo từ 1 - 1,2 tấn thức ăn thô xanh và 30 - 50 kg thức ăn tinh; chuồng trại phải thoáng mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Nhờ làm tốt theo hướng dẫn của cán bộ thú y, đàn trâu của gia đình được bảo vệ kỹ càng trong thời tiết khắc nghiệt. Mỗi năm, xuất chuồng 2 con, giá bán đạt 18 - 20 triệu đồng/con”.
Là địa phương có đàn đại gia súc lớn của huyện Quang Bình, xã Tiên Nguyên có 800/1.017 hộ nuôi trâu với số lượng 2.728 con. Với diện tích 257 ha cỏ ngọt và nguồn rơm khô, lá ngô dự trữ sau thu hoạch, người dân hoàn toàn yên tâm nuôi trâu nhốt trong những ngày giá rét, mưa phùn không chăn thả được. Nhiều năm qua, chăn nuôi trâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhân dân nên cứ vào giữa tháng 10 bà con đã tiến hành tu sửa lại chuồng trại, tiêm vắc - xin phòng bệnh.
Bước vào mùa Đông, công tác phòng, chống đói, rét (PCĐR) cho đàn gia súc được cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ hết sức coi trọng. Hiện, trên địa bàn huyện có 8.490 hộ chăn nuôi gia súc với tổng đàn trâu, bò gần 23.500 con. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCĐR cho đàn gia súc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo việc sửa chữa, làm mới chuồng trại cho đàn gia súc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp PCĐR như: Che chắn chuồng trại nuôi nhốt gia súc, giữ khô ráo nền chuồng, không thả rông gia súc, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12oC; những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết nên sưởi ấm cho chuồng nuôi; tuyệt đối không sử dụng gia súc cày, kéo trong những ngày rét đậm, rét hại... Khuyến khích người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; phun hóa chất sát trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi; thường xuyên theo dõi đàn gia súc, nếu phát hiện có hiện tượng bất thường phải báo ngay cán bộ thú y để kịp thời xử lý. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quản Bạ đã nâng cao ý thức trong việc chủ động PCĐR cho đàn gia súc. Huyện hiện có 8.490 chuồng, trại chăn nuôi; trong đó 8.122 chuồng, trại được người dân đầu tư xây dựng kiên cố. Đến nay, toàn huyện đã dự trữ trên 24.302 tấn thức ăn cho gia súc (1.151 tấn thức ăn tinh; thức ăn thô xanh 23.151 tấn).
Hiện nay, toàn tỉnh có 112.366 hộ chăn nuôi đại gia súc, tổng đàn trâu đạt 170.879 con, đàn bò đạt trên 122.000 con; 138 gia trại, trang trại, quy mô từ 15 - 60 con. Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai các biện pháp PCĐR cho đàn gia súc; cử cán bộ trực tiếp xuống các xã kiểm tra, nắm bắt tình hình tại cơ sở. Qua rà soát cho thấy, 75% số hộ có chuồng trại kiên cố; 24% số hộ làm chuồng tạm; còn lại chưa có chuồng trại. Bên cạnh đó, diện tích trồng cỏ đạt 27.184 ha; thức ăn tinh dự trữ khoảng 19.000 tấn; thức ăn thô xanh dự trữ trên 404.000 tấn. Năm nay, có 1.701 hộ được hỗ trợ làm chuồng trại PCĐR cho gia súc với kinh phí 2,5 tỷ đồng.
Với các phương án chuẩn bị chu đáo, từ đầu vụ rét đến nay, trên địa bàn tỉnh không có gia súc chết đói, chết rét.
MỘC LAN - ĐẠI TÂM
Ý kiến bạn đọc