Quang Bình đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng
BHG - Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá của huyện Quang Bình trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với hệ thống giao thông được nâng cấp ngày càng đồng bộ từ vùng thấp cho đến những xã vùng sâu, vùng xa đã từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhân dân thôn Vén, xã Tân Trịnh làm đường giao thông nông thôn. |
Đồng chí Đặng Đức Đăng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quang Bình cho biết: “Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Tiếp tục thực hiện những kết quả từ giai đoạn trước đó, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư mở mới, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn. Để có những ý tưởng hay, sát với thực tế; các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới (NTM) huyện đã đi tham quan, học tập tại các xã điểm trong và ngoài tỉnh; sau đó, bàn bạc với dân cách thức triển khai ở từng thôn, điều chỉnh bổ sung rồi phê duyệt đề án chính thức... Từ đó, đã tạo ra chuyển biến căn bản trong nhận thức và quy hoạch để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước; các xã đã huy động người dân đóng góp tiền, ngày công để hoàn thành các tuyến đường”.
Trong 4 năm, bằng số vốn trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM, ngân sách của tỉnh, huyện cùng việc lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình khác và huy động xã hội hóa để thực hiện tiêu chí giao thông với tổng số tiền trên 170 tỷ đồng; đến nay, hầu hết đường trục xã của huyện đều được rải nhựa và bê tông hóa 142 km, đạt 69,5% và tăng 49,3% so với năm 2015; các tuyến đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, nội đồng đổ bê tông được trên 200 km. Đồng thời, toàn huyện mở mới được 24,5 km đường giao thông các loại. Nhờ cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi cùng việc hội tụ nhiều điều kiện, lợi thế để giao thương, thu hút vốn đầu tư; huyện đã phát triển đa dạng các ngành nghề kinh tế nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch dịch vụ. Thông qua đó, giá trị công nghiệp mỗi năm tăng trên 12%; trải rộng trên địa bàn hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung về chăn nuôi, trồng trọt như: Vùng chè ở các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc; vùng cam ở xã Hương Sơn, Yên Hà; chuyên canh trồng lúa chất lượng cao ở Vĩ Thượng, Bằng Lang, Xuân Giang; nuôi trâu ở Yên Thành, Nà Khương. Có thể thấy những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Quang Bình đã tăng lên đáng kể.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm xã Bản Rịa sau trận lũ quét lịch sử cách đây 2 năm; giờ đây, trên mảnh đất này nhựa sống đang hồi sinh từng ngày. Gặp lại bà con, ai ai cũng vui mừng, phấn khởi vì được sự quan tâm của các cấp. Trước đây, con đường vào xã gian nan, vất vả nhất so với các địa bàn khác trong huyện. Mặc dù, chiều dài tuyến đường chỉ hơn 9 km nhưng đất đá lởm chởm nên việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân gặp nhiều trở ngại; vậy mà đến nay, con đường đã được bê tông hóa, mặt đường rộng 3,5m, giúp người dân đi lại thuận tiện và mở ra hướng phát triển cho vùng KT - XH đặc biệt khó khăn này... Bí thư Đảng ủy xã Bản Rịa, Lê Tiến Cường cho hay: “Bản Rịa là xã cuối cùng hoàn thiện hệ thống giao thông vào trung tâm xã, cùng thời điểm năm 2019, với sự hỗ trợ của Chương trình CPRP; nhân dân đã góp công, góp sức xây dựng 3 đập tràn qua suối tại các thôn Minh Tiến, Bản Măng, Bản Rịa. Bây giờ, đường xá khang trang, thuận tiện; bà con đi lại cũng như buôn bán được dễ dàng hơn; các sản phẩm nông nghiệp cũng được được giá cao. Hiện, mức thu nhập của người dân đạt 16,5 triệu đồng/năm, tăng 5,8 triệu so với năm 2015”.
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện; thời gian qua, thị trấn Yên Bình đã tập trung mạnh vào xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và phấn đấu vươn lên trở thành đô thị loại V, giai đoạn 2020 - 2025. Anh Hoàng Văn Duy, Tổ trưởng tổ 4 chia sẻ: “Ở huyện còn có rất nhiều nơi khó khăn mà người dân vẫn cố gắng làm đường bê tông vào tận ngõ xóm, nên tổ dân phố 4 đã họp bàn, thống nhất thực hiện xã hội hóa để làm đoạn đường từ trục chính đến nhà văn hóa; đoạn đường này có chiều dài 146 m, rộng 4 m; nhân dân tham gia đóng góp khoảng 100 triệu đồng mua cát, sỏi, xi măng và 700 ngày công để hoàn thành. Đây cũng là công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới”.
Trong tổng số vốn đầu tư, đáng chú ý là việc đóng góp bằng tiền, hiến đất, ngày công của nhân dân lên đến gần 14 tỷ đồng; một con số rất đáng trân trọng. Sau mọi nỗ lực, những kết quả ấn tượng về phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần thay đổi diện mạo trên vùng đất mới, để nhân dân khắp nơi trong huyện tiếp tục đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc