Kết nối cung – cầu: Cơ hội cho nông sản Hà Giang vươn xa
BHG - Xúc tiến thương mại là hoạt động rất quan trọng để kết nối cung – cầu; kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; là cơ hội cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh tiếp cận thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loại đặc sản tiêu biểu như: Cam Sành, chè Shan tuyết, hồng không hạt, thảo quả, gạo chất lượng cao, mật ong Bạc hà, dược liệu; trong đó nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý và được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”. Để phát huy thế mạnh của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh. Cụ thể hóa Nghị quyết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, an toàn, chất lượng được thị trường đón nhận.
Cam Sành là cây hàng hóa mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam Sành theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 7.067,42 ha cam Sành, trong đó có 4.268,2 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, chiếm trên 80% diện tích cam cho thu hoạch; năng suất bình quân đạt 115,5tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 60.759 tấn. Bên cạnh cam Sành, người dân đang trồng thêm các loại cam khác như: cam Vinh, V2, cam Đường canh với tổng diện tích 1.798 ha, năng suất bình quân đạt 97,7 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11.000 tấn.
Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam tại hội chợ. |
Bên cạnh cây cam, nhiều sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị và đang được người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP mang lại hiệu quả cao như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, gạo chất lượng cao, thảo quả... Đặc biệt sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn trong nước và có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới.
Tại Hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm cam và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, niên vụ 2019 – 2020 vừa được UBND tỉnh tổ chức với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành T.Ư, các doanh nghiệp, nhà phân phối, hợp tác xã sản xuất. Các đại biểu đều đánh giá cao chất lượng cam và các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sự đồng hành của Hà Giang trong kêu gọi, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên để sản phẩm nông sản Hà Giang đứng vững trên thị trường, đặc biệt các thị trường lớn khó tính như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và thị trường xuất khẩu, cần rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội chia sẻ: “Sản phẩm nông sản của Hà Giang, đặc biệt là trái cây có múi thực sự rất ngon, chất lượng. Nhưng để vào được thị trường khó tính ở Hà Nội, đặc biệt là chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, sản phẩm của Hà Giang phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về: Chất lượng, thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sau hội nghị này, tỉnh Hà Giang cần đánh giá, rà soát chất lượng từng sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm khi ra thị trường đều phải đạt chất lượng; cần có thêm nhiều cơ sở chế biến chuyên sâu để tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm hàng hóa”.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, đại diện Tổng Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ tổng hợp VinCom cho biết: “Công ty chúng tôi sở hữu chuỗi siêu thị bản lẻ Vinmart và Vinmart+, là nơi có thể bày bán các sản phẩm đặc sản của Hà Giang. Tuy nhiên, sản phẩm chúng tôi phân phối và bản lẻ phải là sản phẩm chất lượng. Các cơ sở sản xuất phải có cơ sở pháp lý chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tỉnh Hà Giang cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại để nhiều người tiêu dùng biết đến các sản phẩm nông sản tỉnh nhà và khi đó sức tiêu thụ sẽ lớn”.
Phát biểu tại hội nghị kết nối cung – cầu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến mong muốn gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh thông qua kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tỉnh Hà Giang đang đi đúng hướng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình OCOP. Kỳ vọng sau hội nghị này, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh lâu dài tại tỉnh Hà Giang, góp phần nâng cao vị thế, uy tín cho sản phẩm cam và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Hà Giang trở thành thương hiệu nổi tiếng của cả nước.
Tại hội nghị đã có 11 biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa Sở Công thương và các HTX sản xuất của tỉnh với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.
Nằm trong chuỗi các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, Hội chợ cam và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang cũng đã được khai mạc tối qua tại Quảng trường 26.3 với quy mô 40 gian hàng của các doanh nghiệp, HTX và các địa phương trong tỉnh. Tại lễ khai mạc hội chợ, các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh đã ấn nút khai trương Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang với địa chỉ dacsanhagiang.net. Việc triển khai sàn giao dịch giúp xóa dần khoảng cách giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Các chủ cơ sở sản xuất có thể đăng tải thông tin, quản lý đơn hàng bán, thống kê doanh thu; người tiêu dùng có thể xem thông tin sản phẩm, thông tin về cơ sở sản xuất, phản hồi về chất lượng với cơ quan chức năng; cơ quan quản lý có thể kiểm duyệt nội dung quảng bá sản phẩm, các đánh giá… Sàn có hỗ trợ thanh toán điện tử và tích hợp công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đây là xu thế thương mại tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ như hiện nay.
Ngay sau lễ khai mạc hội chợ, đông đảo người dân và du khách đã tìm mua các sản phẩm đặc sản của địa phương. Chị Lê Hồng Nga, du khách Hà Nội cho biết: “Tôi lên Hà Giang tham dự Lễ hội Hoa Tam giác mạch và thật vui khi được tham dự hội chợ nông sản Hà Giang. Các sản phẩm của Hà Giang như cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà.. tôi đã từng nghe tiếng, nhưng chưa sử dụng bao giờ vì trên thị trường nhiều sản phẩm mạo danh đặc sản địa phương lắm. Được trực tiếp thưởng thức tại đây, các sản phẩm đều ngon và chất lượng, mẫu mã đẹp. Tôi đã mua rất nhiều để gia đình sử dụng”.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các HTX và người dân, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh đang từng bước chinh phục người tiêu dùng trong cả nước bằng uy tín và chất lượng. Chúng ta kỳ vọng thông qua hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vươn xa hơn.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc