Quỹ tiết kiệm tín dụng thôn giúp phụ nữ Quảng Nguyên thoát nghèo
BHG - Cũng như các xã miền núi khác, phụ nữ xã Quảng Nguyên (Xín Mần) gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế; đa phần đều là thuần nông, số ít buôn bán nhỏ lẻ. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn của Nhóm tiết kiệm tín dụng (TKTD) tại các thôn, bản đã giúp chị em phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn từ Quỹ tiết kiệm tín dụng thôn, giúp phụ nữ xã Quảng Nguyên mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. |
Theo đánh giá của Hội Phụ nữ huyện Xín Mần, Quỹ TKTD phụ nữ xã Quảng Nguyên là một trong những nhóm tín dụng hoạt động hiệu quả nhất hiện nay trên địa bàn. Là xã có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; nhưng chị em đa phần thiếu vốn để hiện thực hóa các ý tưởng chăn nuôi, sản xuất để tạo ra thu nhập cho gia đình. Nhóm TKTD được Hội Phụ nữ xã thành lập với mục tiêu huy động vốn và hỗ trợ vốn vay giúp chị em có nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh...
Năm 2017, Hội Phụ nữ xã thành lập 8 nhóm TKTD phụ nữ; đến nay đã phát triển thành 16 nhóm với hơn 200 thành viên trên địa bàn các thôn, bản. Để duy trì, phát triển các tổ TDTK, Hội Phụ nữ xã Quảng Nguyên đã vận động các thành viên đóng quỹ; theo đó, mỗi tháng chị em đóng góp vào quỹ với số tiền 20 nghìn đồng, nguồn thu này chính là để đảm bảo cho nhóm duy trì hoạt động. Một số nhóm TKTD sau một thời gian hoạt động hiệu quả đã tự nguyện đóng tiền nộp tiết kiệm hàng tháng vượt mức tối thiểu như: Nhóm thôn Nặm Choong, Quảng Thượng, Quảng Hạ… Nhóm thôn Quảng Hạ là một trong những nhóm đi đầu về xây dựng Quỹ TKTD, bởi thôn có nhiều chị em tham gia nhóm và phát triển chăn nuôi hiệu quả nhờ nguồn vốn của quỹ để thoát nghèo. Chị Hoàng Thị Diễm, thôn Quảng Hạ vừa tách hộ nên còn nhiều khó khăn và do phải nuôi con nhỏ nên không có thời gian để mở rộng quy mô chăn nuôi; chị tham gia Nhóm TKTD thôn và đăng ký vay vốn từ quỹ với số tiền 4 triệu đồng để nuôi lợn sinh sản. Từ nguồn vốn vay, chị gây dựng đàn lợn giống của gia đình ngày một phát triển và trả vốn vay đúng kỳ hạn; tiếp tục vay vốn lần 2 với số vốn 10 triệu đồng. Sau một thời gian chăn nuôi đến nay, cuộc sống gia đình dần đã ổn định; giúp chị tự tin hơn trong cuộc sống. Để phát huy hiệu quả, nhiều nhóm tiết kiệm các thôn: Quảng Thượng, Vinh Tiến, Quảng Hạ đã liên kết với Chương trình CPRP để thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi trâu sinh sản, lợn đen hoạt động rất hiệu quả.
Có được những thành quả đó, là nhờ các cán bộ hỗ trợ nhóm nhiệt tình, năng nổ trong tuyên truyền, vận động; thường xuyên xuống các nhóm kiểm tra và chỉ đạo trong quá trình hoạt động. Chị Hoàng Thị Toan, phụ trách Nhóm TKTD phụ nữ xã Quảng Nguyên tâm sự: Điểm chung đối với các xã vùng cao, chị em phụ nữ hầu như không nắm vai trò quyết định kinh tế trong gia đình. Nhiều chị em muốn tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhưng không thể tự quyết định mà phải có sự đồng ý của chồng hay bố mẹ. Để xây dựng được các nhóm tín dụng, chị Toan và các thành viên phụ trách nhóm đã phải vận động các hội viên thậm trí là người thân của họ để chị em được phép tham gia nhóm. Một điểm nhấn giúp nhóm tín dụng tạo được niềm tin với chị em và gia đình là trong quy chế hoạt động của các nhóm đều có phần động viên thăm hỏi những khi thành viên thai nghén, sinh đẻ và gia đình có hiếu, hỉ theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được của các nhóm, vẫn còn những hạn chế của một số nhóm tiết kiệm trên địa bàn xã, như: Nhu cầu vay vốn thấp, giải ngân chậm so với chỉ tiêu đặt ra… Nhiều hội viên làm đơn rút tiết kiệm do đã rời địa bàn đi lao động ngoài tỉnh, một số Nhóm trưởng giao dịch không đều do không họp được nhóm, không thu được tiền quỹ. Do đó, phụ nữ nông thôn vẫn còn nhiều thiệt thòi trong tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, bởi những khoản vay lớn lãi suất cao, họ không dám quyết định; nhưng với một khoản vay từ Nhóm TKTD từ 4 - 10 triệu đồng đủ để chị em đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ, giúp họ năng động hơn và tạo ra sinh kế cho gia đình.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc