Khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện ở Vị Xuyên
BHG - Vị Xuyên có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 585 ha, trong đó, 132 ha thuộc diện tích lòng hồ của 4 nhà máy thủy điện. Những năm gần đây, người dân đã tận dụng diện tích lòng hồ để phát triển nuôi cá lồng với quy mô vừa và nhỏ. Với sự phong phú của các giống loài thủy sản, môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của các giống cá nước ngọt, việc nuôi cá lồng đã, đang mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân và góp phần tích cực vào thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân nuôi cá đều mang tính tự phát, manh mún; chưa có quy hoạch, chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng mặt nước một cách hiệu quả và bền vững.
Cán bộ xã Đạo Đức khảo sát vị trí đặt lồng cá tại lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2. |
Để khắc phục những tồn tại và phát huy những lợi thế về nuôi trồng thủy sản, UBND huyện đã xây dựng và thực hiện phương án: “Phát triển chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện giai đoạn 2019 - 2022” nhằm bảo tồn một số giống cá quý hiếm của địa phương và phát triển nuôi các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao..., đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định cho người dân sống xung quanh khu vực lòng hồ thủy điện; góp phần tích cực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Thực hiện phương án trên, giai đoạn từ 2019 – 2020 sẽ hỗ trợ người dân thực hiện từ 30 đến 45 lồng cá tại các xã Đạo Đức, Việt Lâm, Trung Thành và thị trấn Việt Lâm. Mỗi lồng có kích thước từ 20 m3 đến 30 m3. Mỗi cụm lồng có từ 2 – 5 lồng. Đến nay, đã thực hiện xong 27 lồng với thể tích 903,4 m3, đạt 102,3% kế hoạch; trong đó, đã hạ thủy 18 lồng với thể tích 693,8 m3 (nuôi các loại cá Chiên, Lăng, Trắm cỏ, Bỗng, sản lượng ước đạt trên 480 tấn), nâng tổng số lồng cá toàn huyện lên 65 lồng. Phương án được thực hiện với phương thức Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí làm lồng cá với định mức 800.000 đồng/m3 lồng cá; hỗ trợ một phần kinh phí mua giống cá với định mức 300.000 đồng/m3. Sử dụng giống cá đặc sản và một số giống cá có năng suất, giá trị cao để làm giống; cá giống được tuyển chọn khỏe mạnh không bệnh dịch. Do có sự chuẩn bị tốt về hệ thống lồng bè và nguồn thức ăn, nên cá sinh đều trưởng và phát triển tốt. Việc lựa chọn khu vực nuôi trồng có đủ các điều kiện thuận lợi như: Nguồn nước, tốc độ dòng chảy, ánh sáng, lượng mưa ổn định; cùng với đó là việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống thiên ta; cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ nuôi cá với các cơ quan chuyên môn về hướng dẫn kỹ thuật và các công ty thủy điện để đảm bảo được mực nước trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
Nuôi cá Chiên trên lòng hồ thủy điện thuộc xã Đạo Đức. |
Theo tính toán, mỗi chu kỳ nuôi cá lồng (1,5 – 3 năm); sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cá có thể tích 30 m3 sẽ cho thu nhập 44 triệu đồng, hộ nuôi từ 3 đến 5 lồng sẽ cho thu nhập từ trên 100 đến hơn 200 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho người lao động, giúp họ nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi. Ổn định, nâng cao đời sống kinh tế của người dân tại vùng ngập nước. Cùng đó là nâng cao nhận thức, áp dụng KHKT vào nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn được một số lượng đáng kể loài cá quý hiếm đang có nguy cơ bị mai một...
Có thể khẳng định, phương án “Phát triển chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện giai đoạn 2019 - 2022” đã mang tính thiết thực, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh của vùng, đưa ngành nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ thủy điện làm mũi nhọn. Việc tận dụng diện tích mặt nước hồ thủy điện để phát triển kinh tế sẽ góp phần ổn định đời sống cho người dân khu vực lòng hồ thủy điện và thúc đẩy quá trình xây dựng chiến lược phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện.
Bài, ảnh: AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc