Hội thảo bảo tồn và phát triển chè Shan cổ thụ Việt Nam
BHG - Chiều 20.9, tại huyện Hoàng Su Phì, Hiệp hội Chè Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát triển chè Shan cổ thụ Việt Nam – Tiềm năng và phát triển. Dự Hội thảo có lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, Thường trực UBND – HĐND huyện Hoàng Su Phì cùng đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ban Tổ chức Hội thi Tea Masters Cup Việt Nam năm 2019 trao giải cho các cá nhân đoạt giải |
Tại Hội thảo, lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam nêu rõ về thực trạng cây chè Shan cổ thụ ở Việt Nam và các phương hướng phát triển; các chuyên gia trong nước và các quốc gia như: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đài Loan... đã phân tích nhiều phương án, kinh nghiệm sản xuất chè hữu cơ. Theo ý kiến của các chuyên gia thì cây chè Shan tuyết cổ thụ Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng có rất nhiều tiềm năng để tiếp cận và khai thác các thị trường lớn như: Pháp, Mỹ và Đài Loan; gắn việc phát triển du lịch cộng đồng với du lịch canh nông cũng như việc đa số người tiêu dùng các nước rất quan tâm đến quá trình thu hái, chế biến và xuất xứ của các sản phẩm chè sạch. Hội thảo cũng đã chỉ rõ một số điểm yếu trong quá trình sản xuất chè Shan cổ thụ ở Việt Nam như: Quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, sản lượng còn hạn chế, thị trường còn chưa vững mạnh...
Các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo bảo tồn và phát triển chè Shan cổ thụ Việt Nam |
Đối với diện tích chè Shan cổ thụ đang cho thu hoạch, Hiệp hội Chè Việt Nam khuyến khích người dân chăm sóc theo hướng hữu cơ; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng theo hướng VietGAP và hữu cơ; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến... đầu tư, chế biến chè, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với người trồng chè nhằm nâng cao giá trị cây chè Shan, khai thác hết tiềm năng phát triển vùng chè Shan tuyết. Trước đó tại Hội thảo, Ban Tổ chức Cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam năm 2019 đã trao giải cho các cá nhân đoạt giải.
Tin, ảnh: Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc