Giữ màu xanh cho những cánh rừng Quang Bình
BHG - Huyện Quang Bình có diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, với 54.367 ha; trong đó, đất rừng sản xuất là 36.967 ha, rừng phòng hộ 17.404 ha. Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua, người dân đã tập trung đẩy mạnh trồng rừng và đem lại nguồn thu nhập ổn định; đồng thời tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước phục vụ sản xuất. Song song với việc phát triển rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) cũng luôn được huyện quan tâm, chú trọng.
Lực lượng kiểm lâm huyện tuần tra khu vực rừng Mỏ ao xanh, thị trấn Yên Bình. |
Với những giá trị kinh tế từ rừng mang lại, đầu năm 2019, một số địa bàn thuộc các xã Hương Sơn, Vĩ Thượng, Tiên Nguyên đã nổi lên tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép để chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, UBND huyện đã ban hành văn bản về “Xây dựng kế hoạch quản lý BVR và quản lý lâm sản” để nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, các ngành, chủ rừng nhằm khắc phục những hạn chế; thiết lập kỷ cương trong việc quản lý BVR. Đồng thời, làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tại 15 xã, thị trấn; phấn đấu tăng độ che phủ rừng đạt 67,4%.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện phát hiện 30 vụ vi phạm về khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phá rừng trái phép (tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm 2018). Kết quả, 1 vụ xử lý hình sự, 29 vụ xử lý hành chính; tịch thu 8,798 m3 gỗ, 1 máy cưa xăng; thu nộp ngân sách nhà nước trên 58 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do ở cấp cơ sở vẫn còn buông lỏng công tác quản lý BVR; quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi phá rừng. Đối với cấp ủy, chính quyền nơi xảy ra vi phạm, yêu cầu kiểm điểm cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm để làm bài học chấn chỉnh việc quản lý BVR; các hộ vi phạm phải trồng lại rừng để trả lại hiện trạng ban đầu; các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo định kỳ, giúp nhân dân nâng cao ý thức BVR.
Người dân xã Bằng Lang trồng rừng bằng giống keo Úc chất lượng cao. |
Cũng dựa trên cơ sở chương trình trọng tâm quản lý BVR, Hạt Kiểm lâm huyện xác định: Bằng Lang là địa bàn cần được ưu tiên bảo vệ, do xã có diện tích rừng tự nhiên lớn, lâm sản trên rừng là các loại gỗ quý gồm: Trai, Sến, Trò, Sâng, Kháo, Phay nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm đã xây dựng thí điểm bản đồ tuyến tuần tra rừng tại thôn Khun và Tiến Yên; với tổng diện tích thực hiện mô hình là 1.320 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ với 6 tuyến tuần tra chính, chiều dài 21,6 km. Hiện, có 2 tổ tuần tra đã đi vào hoạt động; nòng cốt là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, công an viên… họ là những người thông thạo địa hình, tham gia đi tuần có nhiều thuận lợi, khi có dấu hiệu vi phạm về BVR, sẽ thông tin cho cán bộ kiểm lâm phụ trách xã để phối hợp kiểm tra, xử lý vụ việc ngay từ khi mới phát sinh.
Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, địa hình nhiều nơi phức tạp; huyện đang duy trì thực hiện 1 mô hình quản lý máy cưa xăng tập trung tại xã Nà Khương để người dân chung tay cùng với lực lượng Kiểm lâm giữ rừng và tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của huyện là 20.542 ha, với 56 thôn, bản thuộc 8 xã, thị trấn. Từ đầu đến nay, huyện đã chi trả DVMTR với số tiền gần 4 tỷ đồng cho các hộ dân và cộng đồng. Có thể khẳng định, nguồn thu DVMTR góp phần quan trọng cho những người sống gần rừng nhằm cải thiện và nâng cao đời sống từ việc BVR.
Đồng chí Hoàng Minh Sướng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình cho biết: “Khó khăn nhất trong công tác quản lý BVR là việc tổ chức triển khai các lực lượng tuần tra BVR ở cơ sở chưa được thường xuyên, đặc biệt khu vực giáp ranh các xã, huyện. Ngoài thực hiện hiệu quả các dự án về phát triển lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, theo kế hoạch quản lý BVR đã được UBND huyện phê duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra, truy quét và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm trong quản lý BVR. Đồng thời, hướng dẫn các chủ rừng làm tốt vai trò, trách nhiệm xây dựng phương án BVR đối với diện tích rừng được giao quản lý.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc