Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình
BHG - Với tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai nên huyện Quang Bình có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp; đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực, như: Cam, chè, lúa chất lượng cao… Không chỉ mở rộng về quy mô sản xuất, những năm gần đây, huyện Quang Bình đặc biệt chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa; tăng thu nhập cho người dân trên cùng diện tích.
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Tân Trịnh. |
Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng hàng hóa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã xác định các cây, con (lúa, cam, trâu, bò) chủ lực để thực hiện tái cơ cấu phù hợp điều kiện thực tế. Triển khai, hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ, hỗ trợ nông dân về giống, phân bón, vật tư, theo dõi tình hình sâu, bệnh hại cây trồng và thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với cây cam, chè; đào tạo người dân nâng cao kỹ thuật, cách chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi; khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Ứng dụng khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dồn điền để áp dụng cơ giới hóa, xây dựng các cánh đồng mẫu trên địa bàn.
Đến nay, toàn huyện có 240 ha cánh đồng mẫu lúa; 600 ha cánh đồng mẫu ngô; năng suất và giá trị thu hoạch/ha của các cánh đồng mẫu đạt 66,3 triệu đồng. Tổng diện tích dồn điền, đổi thửa đến nay thực hiện được 38,1 ha. Toàn huyện hiện có 3.147 ha chè; 2.682 ha cam (trong đó 1.119,9 ha cam được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và 912 máy làm đất, 2.472 máy cấy, 4.365 máy thu hoạch, 404 máy chế biến thức ăn thô xanh và 1.727 hệ thống quản lý chất thải chăn nuôi… Cùng với đó, việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới được thực hiện bằng cách giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 209 và 86 (nay là Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh) giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, hoàn thành các tiêu chí về thu nhập. Hiện, trên địa bàn huyện đã thành lập được 6 tổ sản xuất mạ khay theo hình thức dịch vụ và được áp dụng máy cấy, máy gặt trong sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn với 3.000 ha gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Việc đẩy mạnh phát triển các cây, con chủ lực để thực hiện tái cơ cấu phù hợp với điều kiện địa phương luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở chú trọng. Đồng chí Cao Xuân Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Với từng loại sản phẩm, Phòng sẽ có chủ trương riêng, như: Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, hỗ trợ người dân trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh phát triển hàng hóa để các sản phẩm nông sản của người dân có chỗ đứng trên thị trường. Tiếp tục tuyên truyền chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng những biện pháp cụ thể, cách làm phù hợp… tin tưởng rằng, kết quả sản xuất nông nghiệp của huyện Quang Bình sẽ ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc