Nhóm cùng sở thích trồng mận Máu thôn Sưi Thầu đẩy mạnh liên kết sản xuất
BHG - Thôn Sưi Thầu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của các giống cây ăn quả bản địa; trong đó có cây mận Máu. Nhận thức rõ thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh phát triển mận Máu trở thành cây trồng chủ lực bằng nhiều giải pháp hữu hiệu; trong đó, vận động thành lập các Nhóm cùng sở thích (CIG) trồng mận Máu, nhằm hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Thành viên Nhóm cùng sở thích xã Chiến Phố chăm sóc cây mận Máu. |
Hiện nay, thôn Sưi Thầu đã thành lập được 2 Nhóm CIG trồng mận Máu; trong đó, nhóm 1 được thành lập từ tháng 4.2016 và nhóm 2 thành lập vào tháng 2.2018, với 20 thành viên. Từ khi được thành lập, các thành viên có điều kiện được vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; giúp các hộ nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tổng diện tích mận Máu của cả 2 nhóm hiện có 10 ha, với trên 350 gốc. Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng theo tập quán truyền thống, nên tỷ lệ cây sống không cao. Theo điều tra thực tế, hiện mật độ cây thưa, chỉ từ 50-100 cây/ha và được trồng phân tán, gây khó khăn cho việc chăm sóc, thâm canh. Đa số các hộ để mận sinh trưởng tự nhiên, không bón phân cũng như tác động các biện pháp kỹ thuật; dẫn đến năng suất thấp, dao động từ 35-50 kg quả/cây, bình quân 1 ha cho thu hoạch từ 350 - 500 kg quả. Bên cạnh đó, kỹ thuật thu hái, sơ chế chưa đảm bảo yêu cầu; giá bán bấp bênh, giá trị sản phẩm thấp và phụ thuộc vào thương lái… Sản phẩm phần lớn chưa qua sơ chế, chưa có bao bì, nhãn mác; chưa có kênh quảng bá, địa điểm giới thiệu sản phẩm…
Trước thực trạng trên, 2 nhóm đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, giá trị của cây mận Máu. Anh Nùng Văn Tư, Trưởng nhóm CIG 1, cho biết: Với mục tiêu tăng năng suất mận lên 25 tạ/ha để nâng cao thu nhập từ trồng mận của các hộ thành viên từ 10 triệu đồng/hộ/năm hiện tại lên 30 triệu đồng/hộ/năm; Nhóm đã xây dựng Tiểu dự án sản xuất, kinh doanh với tổng chi phí 295 triệu đồng; trong đó, xin tài trợ từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh 110 triệu đồng, các thành viên đóng góp tiền mặt và hiện vật, tương ứng 185 triệu đồng. Sau khi được hỗ trợ vốn, Nhóm đứng ra mua giống mận Máu trồng bổ sung để tăng mật độ từ 200-400 cây/ha; mua phân bón để cải tạo vườn mận và mua dụng cụ cắt tỉa, thu hoạch, sơ chế, bảo quản mận. Ngoài ra, Ban Quản lý Nhóm cũng liên hệ với đại lý thu mua, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tránh để tư thương ép giá; phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc mận Máu, thu hoạch, sơ chế bảo quản mận cho các thành viên.
Anh Lù Văn Phát, Trưởng nhóm CIG 2, cho biết: Hiện nay, nhóm có 5 ha mận với 10 hộ thành viên, trong đó có 5 hộ nghèo. Trước đây, các hộ chủ yếu sản xuất theo tập quán cũ, đầu ra sản phẩm không ổn định; năm được mùa mận thì giá lại xuống thấp; do vậy, giá trị kinh tế không cao. Từ khi thành lập nhóm, các hộ cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; Ban Quản lý Nhóm đã liên kết tiêu thụ sản phẩm nên các hộ rất phấn khởi. Hiện, nhóm CIG đang giúp các hộ thay đổi tư duy và nâng cao kỹ thuật thâm canh mận Máu, xây dựng mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; từng bước hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm giúp các hộ thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Có thể khẳng định, việc thành lập các nhóm CIG trồng mận Máu ở xã Chiến Phố đã, đang góp phần thay đổi tập quán sản xuất tự phát và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, xây dựng được mối liên kết tiêu thụ bền vững cho sản phẩm mận Máu.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc