Bắc Quang sắp xếp lại ngành chăn nuôi gia súc
BHG - Bắc Quang có tổng đàn gia súc trên 137.000 con. Trong đó, đàn trâu, bò trên 21.700 con, lợn trên 68.000 con. Sản lượng thịt hơi bán ra thị trường năm 2018 đạt trên 10.000 tấn. Chăn nuôi chiếm 32 – 35% giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá về ngành chăn nuôi hiện nay cho thấy có những bất cập trong cơ cấu tổng đàn, rất dễ dẫn đến những rủi ro...
Chăn nuôi trâu đang phát triển mạnh tại xã Thượng Bình. |
Thực tiễn ngành chăn nuôi của huyện Bắc Quang thấy rõ: Chăn nuôi đại gia súc chiếm chưa đến 1/3 tổng đàn lợn. Trong khi giá bán lợn hơi tại huyện Bắc Quang liên tục biến động giảm thì giá trâu, bò khá ổn định. Thị trường tiêu thụ thịt trâu, bò, dê trong địa bàn huyện, tỉnh và cả nước luôn thiếu, phải nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Điều đó chứng tỏ chăn nuôi trâu, bò đang có lợi thế rất lớn để phát triển. Nhiều người chăn nuôi cho rằng, nuôi lợn hiện có rất nhiều rủi ro cả về thị trường, lẫn dịch bệnh, giá bán. Đã đến lúc cần phải thay đổi cách làm, cách thức đầu tư đối với ngành chăn nuôi để tránh những rủi ro, thiệt hại.
Chuyển nuôi lợn sang nuôi trâu, bò, nuôi dê đã được rất nhiều nông dân Bắc Quang thực hiện trong thời gian này. Nhiều nhận định cho rằng, chăn nuôi trâu, bò, dê là cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Bắc Quang, vì: Truyền thống chăn nuôi của đại đa số đồng bào là nuôi trâu. Thực tại, Bắc Quang đang có trên 21.000 con trâu, bò và trên 19.000 con dê đều là điểm mạnh, thế mạnh để Bắc Quang tiếp tục đầu tư nâng đàn. Thế mạnh để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê tại Bắc Quang là độ che phủ rừng lớn, thức ăn thô, xanh từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp sẵn... Nhiều ý kiến còn cho thấy, nuôi trâu, bò, dê là nghề “tận thu” cỏ, cây, thân, lá từ rừng, ruộng, vườn được tận dụng tối đa nhất, ít dịch bệnh, ít rủi ro. Mới đây nhất, UBND huyện Bắc Quang đã thống nhất chuyển hướng chỉ đạo ngành chức năng tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển từ phương thức đầu tư nuôi lợn sang trồng cỏ, nuôi trâu, bò, dê. Đảm bảo thức ăn thô, xanh bình quân từ 25 – 30 kg/ngày/con trâu, bò. Từ đó, cân đối chuyển những diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả, sang trồng cỏ, nuôi trâu, bò, dê. Kèm theo đó, tận dụng khoai, sắn, ngô, đậu dư thừa để bổ sung thêm khoáng chất vào thức ăn thô, xanh phát triển đàn trâu, bò, dê trong thời gian tiếp theo.
UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo chính quyền các địa phương căn cứ thực tiễn, sắp xếp lại ngành chăn nuôi phù hợp điều kiện thực tế; thực hiện chuyển từng bước phù hợp, vững chắc, tránh làm theo phong trào. Sắp xếp lại ngành chăn nuôi lúc này là bước đi phù hợp thực tiễn, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc