Bắc Quang cơ cấu lại ngành trồng trọt
BHG - Sắp xếp lại ngành trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp để tránh tình trạng “được mùa – mất giá” đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trên địa bàn huyện Bắc Quang, có 5 loại cây trồng đại trà chủ lực là: Lúa gạo, lạc, chè, cam, nghệ cần được quy hoạch lại cho phù hợp...
Thu hoạch lúa hàng hoá J02 tại xã Hùng An. |
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Hồng Tuyên, cho biết: Đã đến lúc Bắc Quang cần rà soát, sắp xếp lại ngành trồng trọt để tránh tình trạng cung vượt cầu. Về sản xuất lúa, gạo; mỗi năm, Bắc Quang sẽ chọn những xã có đất đai màu mỡ để gieo cấy khoảng 2.000 ha lúa đặc sản nếp Cẩm, nếp Cái hoa vàng, J02 Nhật Bản, Tám thơm... Thực hiện quy hoạch vùng trồng tại các xã: Quang Minh, Việt Vinh, Hùng An, Vô Điếm, Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản. Dự kiến, sản lượng lúa, gạo đặc sản của Bắc Quang mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 tấn; đồng thời sử dụng biện pháp canh tác bền vững theo tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP để có sản phẩm tốt nhất. Phấn đấu đến cuối năm 2019, huyện sẽ hỗ trợ đăng ký truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; xây dựng mẫu mã, bao bì hướng tới khách hàng tiêu dùng cao cấp. Đối với cây lạc, ổn định quy hoạch vùng trồng dưới 2.000 ha tại 2 xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên. Chỉ đạo HTX Lạc Đồng Yên tổ chức ký kết với các hộ thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền và kiên quyết cắt giảm diện tích ngoài quy hoạch để tránh tình trạng trồng tràn lan, khó kiểm soát dẫn đến cung, vượt cầu. Tiếp tục hỗ trợ HTX Lạc Đồng Yên xúc tiến thương mại, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Về phát triển cây dược liệu, toàn huyện hiện có trên 750 ha chủ yếu là quế, nghệ và một số cây dược liệu bản địa. Xu hướng mở rộng diện tích trồng dược liệu theo hướng nông dân trực tiếp liên kết sản xuất trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Bông Sen Vàng và Công ty Y học Bản địa. Hiện nay, Công ty Dược liệu Bông Sen vàng đã ký kết trồng nghệ với nông dân và đang hoàn tất xây dựng nhà máy chế biến tại xã Hùng An. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ trồng khoảng 1.000 – 1.200 ha dược liệu; trong đó, khoảng 100 ha Nghệ vàng. Ngoài ra là sâm các loại, Sa sâm, cây lá Khôi tía, Thất diệp nhất chi hoa... Đối với cây chè, phấn đấu đến năm 2020 ổn định khoảng 5.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP theo đúng lộ trình đề ra. Kiên quyết chỉ đạo loại bỏ những diện tích chè già cỗi để trồng các loại cây khác có giá trị, hoặc trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Gắn kết vùng chè nguyên liệu với các HTX, tổ hợp tác (THT) và một số doanh nghiệp tâm huyết với nông dân. Từ năm 2020 các HTX, THT, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lo chế biến sản phẩm, lo xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm. Còn lại, người nông dân chỉ lo một việc chăm bón cây trồng, thu hái nguyên liệu cung cấp cho các HTX, THT và các doanh nghiệp.
Riêng đối với cây ăn quả có múi sẽ phải rà soát, cắt bỏ những diện tích cây già cỗi; đặc biệt là những diện tích trồng cam xuống đất lúa để ổn định khoảng 5.000 ha. Trong khoảng 5.000 ha ổn định lại sẽ áp dụng trồng đạt chuẩn 100% cam VietGAP; sẽ chuyển, cắt giảm khoảng 1.000 ha cam già cỗi, dư thừa sang trồng cỏ chăn nuôi hoặc trồng rừng kinh tế bằng cây gỗ lớn. UBND huyện sẽ kiện toàn lại các HTX, THT trồng cam sạch theo hướng chuyên canh, chuyên nghiệp để lo quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… lãnh đạo huyện Bắc Quang khẳng định.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc