Khởi sắc kinh tế tập thể
BHG - Hoạt động kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) không ngừng tăng về doanh thu và lợi nhuận; liên kết hợp tác đa dạng, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, góp phần hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất… Đó là những kết quả nổi bật sau hơn 15 năm đổi mới, phát triển và nâng cao KTTT theo tinh thần Nghị quyết số 13, ngày 18.3.2002 của BCH T.Ư Đảng khoá IX (Nghị quyết số 13).
Mật ong Bạc hà của HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. |
Thực tiễn chứng minh, KTTT là nhân tố quan trọng trong việc phát triển KT-XH, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; chỗ dựa tin cậy của các hộ sản xuất nhỏ, kinh tế hộ. Vì vậy, sau khi có Nghị quyết số 13, cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển, như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cho HTX, chính sách về đất đai; tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động HTX; kiên quyết giải thể các HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả; tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX ở những nơi đủ điều kiện, gắn xây dựng phát triển KTTT với xây dựng Nông thôn mới... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 35 HTX vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, dư nợ đạt 62,6 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2003. Không những vậy, từ năm 2014 đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân 7,2 tỷ đồng, hỗ trợ nhiều HTX đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong Bạc hà…
Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành đã tạo bước chuyển khởi sắc cho KTTT phát triển; hơn 15 năm qua, toàn tỉnh thành lập mới 562 HTX (tăng 3,5 lần so với năm 2003). Đến nay, toàn tỉnh có trên 620 HTX, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông – lâm – ngư nghiệp; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; thương mại; vận tải, tín dụng với hàng chục nghìn thành viên tham gia và vốn góp lên đến 61.385 tỷ đồng. Hoạt động của HTX đã chứng minh vai trò thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ, thành viên trong HTX và thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, vừa. Đồng thời, huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, các HTX còn tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong quá trình hoạt động, xuất hiện nhiều HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, góp phần gia tăng hiệu quả KTTT. Điển hình như: HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm sạch Hải Khang, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) sản xuất, chế biến chuỗi giá trị thực phẩm từ lợn đen, gà địa phương, doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. HTX Chế biến chè Phìn Hồ trà, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) sản xuất chuỗi giá trị chè thông qua việc thu mua chè Shan tuyết cho người dân địa phương. Trên cơ sở đó, HTX chế biến, đóng gói, dán tem, nhãn mác, tiêu thụ sản phẩm, tạo nhiều việc làm cho người dân và đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm. Hay HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) chuyên sản xuất, chế biến dược liệu; liên kết thu mua sản phẩm nguyên liệu tươi của người dân, thành viên HTX có thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. HTX Tuấn Dũng (thị trấn Mèo Vạc – Mèo Vạc) liên kết với trên 100 hộ dân phát triển 2.200 đàn ong. Năm 2018, sản lượng mật ong Bạc hà của HTX đạt 15.000 lít, giá trị 6,5 tỷ đồng...
Thực tiễn trên có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện Nghị quyết số 13 đã tạo động lực thúc đẩy KTTT nơi địa đầu cực Bắc thêm nhiều khởi sắc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc