Hoàng Su Phì đẩy mạnh chăn nuôi theo Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc

09:35, 20/06/2019

BHG - Nhằm đảm bảo tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc với mục tiêu ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ vào chăn nuôi; chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, trang trại góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chăn nuôi đại gia súc luôn được người dân Hoàng Su Phì chú trọng.
Chăn nuôi đại gia súc luôn được người dân Hoàng Su Phì chú trọng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn trâu của huyện Hoàng Su Phì có trên 23.500 con, bò gần 6.800 con, dê gần 23.000 con, lợn trên 70.000 con. Thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc của tỉnh, huyện đã hỗ trợ 300 con bò lai trong năm 2017 – 2018 cho các hộ nghèo; hỗ trợ 10 xã mua trâu, bò với số lượng 165 con. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ kinh phí chăn nuôi bò sinh sản và làm chuồng trại cho các hộ. Kết quả từ năm 2018 đến nay, đàn trâu, bò của huyện tăng 2.550 con; toàn huyện hiện có 28 gia trại và 2 trang trại chăn nuôi, dự kiến trong năm 2019 có thêm 18 gia trại.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 24,48% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định từ 3% trở lên đối với trâu, bò, dê và từ 6% trở lên đối với lợn, gia cầm. Hiện, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện; trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; hạn chế thả rông, tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, chú trọng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm và cải tạo, nâng cao tầm vóc, thể trạng đàn gia súc thông qua việc bình tuyển, chọn lọc con giống. Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Các mô hình sản xuất được triển khai đang góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Để các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, các xã, thị trấn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua sản xuất; tích cực phối hợp với Hội Nông dân huyện và các ngành chuyên môn tổ chức cho bà con học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo các mô hình kinh tế trang trại, gia trại…”.

Trong thời gian qua, để tiếp tục tạo động lực cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững của huyện đã tổ chức trao bò giống sinh sản với trị giá trên 10 triệu đồng/con theo dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2019 cho 23 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại xã Tân Tiến. Cùng đó, các hộ tham gia còn được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, làm chuồng trại chăn nuôi, phòng, chống đói, rét và hỗ trợ thụ tinh nhân tạo... Sau thời gian 3 năm, 23 hộ tham gia dự án sẽ hoàn trả lại 50% tổng số vốn được hỗ trợ. Thông qua dự án, nhằm giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện, tư liệu sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyên môn hóa các khâu sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; có giải pháp xây dựng các tổ hợp tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; quy mô đầu tư cho mô hình cần được nâng lên để sản phẩm thành hàng hóa, đặc biệt là có sự liên kết “4 nhà” để đầu ra sản phẩm được ổn định.

Bài, ảnh: Phi Anh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động

BHG - Là địa phương có tiềm năng lớn về lao động (LĐ), thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm (GQVL) cho người LĐ. Từ đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập trên địa bàn huyện. Để thực hiện tốt công tác GQVL, xuất khẩu và đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Yên Minh xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. 

20/06/2019
Bắc Mê triển khai nhiều giải pháp giúp các hợp tác xã "hồi sinh"

BHG - Hiện, huyện Bắc Mê có tổng số 44 HTX, số HTX đang hoạt động là 37; trong đó, có 24 HTX Nông nghiệp và dịch vụ nông, lâm nghiệp, dược liệu; 13 HTX loại hình khác. Trong quý I.2019, tổng doanh thu từ các HTX đạt trên 16,2 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 488 triệu đồng; chiếm 0,17% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Để có được kết quả trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX phát triển và "hồi sinh" nhiều HTX.

 

20/06/2019
Vị Xuyên tìm hướng đi cho người chăn nuôi lợn

BHG - Đến nay, huyện Vị Xuyên đã có 13/24 xã, thị trấn bị nhiễm dịch tả lợn (DTL) châu Phi, tổng số lợn chết và tiêu hủy 301 con của 56 hộ, với tổng trọng lượng 11.147 kg. Nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường cũng như để người dân không quay lưng với sản phẩm thịt lợn; huyện Vị Xuyên đã có nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát việc kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn.

 

19/06/2019
Quang Bình, lạc được mùa, được giá

BHG - Vụ Xuân năm nay, huyện Quang Bình gieo trồng 2.248 ha lạc, tập trung ở các xã Bằng Lang, Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, lạc được giá, bà con đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để giải phóng đất chuẩn bị cho sản xuất vụ Mùa. Năm nay, diện tích trồng lạc của huyện tăng 91,6 ha so với kế hoạch, vì người dân chủ động chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô thiếu nước sang trồng lạc. Cơ cấu giống chủ yếu là giống lạc L14 và giống địa phương...

19/06/2019