Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Mê
BHG - Thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), đặc biệt là tiêu chí phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT); thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Mê đã chung sức, đồng lòng tập trung xây dựng NTM; từng ngày làm “thay da đổi thịt” bộ mặt nông thôn. Nhờ đó, nhiều con đường bê-tông đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Đường bê - tông thôn Bản Sáp, thị trấn Yên Phú. |
Đường giao thông mở đến đâu, bộ mặt nông thôn vùng sâu đổi thay đến đó. Phong trào làm đường GTNT rất thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân và được nhân dân tích cực ủng hộ. Hiệu quả đạt được trong làm đường GTNT đã cho thấy tầm nhìn, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện nhằm hướng đến xây dựng diện mạo mới cho những vùng quê còn khó khăn; đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Ngoài ra, với hệ thống GTNT được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng NTM chính là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân; đồng thời giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi và chủ động tham gia. Mặc dù, nguồn kinh phí được phân bổ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng năm còn hạn hẹp; nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân có tuyến đường đi qua hiến đất, đóng góp tiền, công lao động. Đến nay, huyện đã đầu tư làm mới được trên 33,6 km đường GTNT. Cùng với những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, vật liệu và gương mẫu đi đầu vận động người dân khắc phục khó khăn, thực hiện bê-tông hóa nhiều tuyến đường GTNT.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; những người làm công tác dân vận ở 2 xã Yên Định và Yên Phong không những khéo nói để dân nghe, mà còn biết lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Luôn tạo điều kiện để người dân được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát. Quyền làm chủ được phát huy, người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi; nhờ vậy, hầu hết các chủ trương, kế hoạch của xã, thôn về xây dựng NTM đều được triển khai thuận lợi. Tính đến nay, người dân 2 xã trên đã hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng để hoàn thành các tuyến đường giao thông và một số công trình công cộng khác. Nhờ phát huy được nội lực trong xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng ở Yên Định và Yên Phong ngày càng được hoàn thiện, như: Hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…, bước đầu đáp ứng được nhu cầu người dân.
Chủ trương làm đường giao thông đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, triển khai thực hiện được công khai, minh bạch; do vậy, phong trào đã và đang phát triển sâu rộng trên địa bàn toàn huyện. Qua công tác tuyên truyền, mỗi người dân đều hiểu quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện bê-tông hóa đường GTNT gắn với xây dựng NTM. Để nâng cao tỷ lệ các thôn, bản được bê-tông đường giao thông; thời gian tới, huyện Bắc Mê tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư; đồng thời, chú trọng công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì các tuyến đường đã hoàn thành, góp phần kéo dài tuổi thọ công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc