Phát huy vai trò quản lý thị trường trong Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
BHG - Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn.
Đội QLTT số 1 kiểm tra nhãn mác các sản phẩm tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). |
Theo đánh giá, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay diễn ra rất sôi động; hàng hóa lưu thông tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, phong phú về hình thức, mẫu mã được các doanh nghiệp đầu mối cung ứng đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: Lương thực, thực phẩm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất luôn ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng nhập lậu nhưng số lượng không nhiều. Trong 4 tháng đầu năm, lực lượng QLTT trong tỉnh đã kiểm tra 486 vụ, xử lý vi phạm hành chính 396 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 9 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, 10 vụ hàng giả và gần 100 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng. Các mặt hàng trọng điểm vi phạm, bao gồm: Thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, thiết bị điện tử...
Đồng chí Vũ Quốc Khánh, quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Cục đã chỉ đạo QLTT các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về chất lượng và ưu thế giá cả hàng hóa được niêm yết cũng như chỉ dẫn địa lý và các nhãn mác của hàng hóa Việt Nam trên thị trường. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng QLTT đã chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng lưu thông trên thị trường; bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh và phát tờ rơi đến người dân về hàng Việt Nam và những lợi ích trong việc sử dụng hàng Việt Nam. Tại các chợ phiên, lực lượng QLTT đã phối hợp với Phòng Văn hóa các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền lưu động bằng tiếng địa phương và tiếng phổ thông; đồng thời phát huy vai trò già làng, trưởng bản và các đội vận động quần chúng trong công tác tuyên truyền, vận động từng gia đình nâng cao nhận thức về việc sử dụng hàng Việt Nam. Đến nay, các chợ trên địa bàn tỉnh, nhất là các chợ phiên vùng sâu đều thực hiện sử dụng hàng Việt. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng tiến hành cung cấp thông tin về các đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; các mặt hàng tạm nhập, tái xuất đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong nhân dân.
Bên cạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; thời gian qua, lực lượng QLTT cũng đang phối hợp tốt với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, thường xuyên phân công cán bộ trực tại các chốt kiểm dịch động vật và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, việc niêm yết giá bán, các hoạt động giết mổ gia súc không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đồng chí Nguyễn Thế Tuấn, quyền Đội trưởng Đội QLTT số 1 thành phố Hà Giang, cho biết: Đội QLTT số 1 được giao nhiệm vụ quản lý 2 địa bàn, gồm: Thành phố Hà Giang và huyện Bắc Mê. Mặc dù địa bàn khá rộng, lực lượng mỏng; nhưng công tác quản lý hàng hóa lưu thông luôn được thực hiện nghiêm túc. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua không có diễn biến phức tạp, không có điểm nóng về buôn lậu cũng như chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm lớn về kinh doanh hàng nhập lậu. Trong quý I.2019, Đội tiến hành kiểm tra 102 vụ, xử lý vi phạm 87 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng…
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục triển khai các đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trên toàn tỉnh; trong đó, tập trung vào các chợ đầu mối, chợ trung tâm; các cơ sở kinh doanh lớn, nhà phân phối, nơi tập kết hàng hóa, kho, bãi, phương tiện vận tải hàng hóa. Đồng thời, phát huy vai trò QLTT trong phối hợp với ngành chức năng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; nhằm ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm dịch vào địa bàn tỉnh… - đồng chí Vũ Quốc Khánh chia sẻ.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc