Ngành Hải quan góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biên mậu
BHG - Với phương châm “Chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả”; những năm qua, ngành Hải quan luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) thuận lợi; góp phần phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh.
Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. |
Đề án “Phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2025” của UBND tỉnh phân công rõ nhiệm vụ đối với ngành Hải quan: Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, kiểm soát tuân thủ, đảm bảo nguồn thu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK. Cụ thể hóa nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và trở thành một trong những đơn vị tích cực, đi đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa. Cục Hải quan đã thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công truyền thống sang hiện đại; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; từ quản lý hàng hóa sang quản lý doanh nghiệp. Các đơn vị trực thuộc đều tích cực rà soát, cải cách thủ tục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi hoạt động nghiệp vụ, hiện đại hóa quy trình thủ tục; triển khai thành công các chương trình hiện đại hóa lớn, như: Khai báo hải quan từ xa; thực hiện thủ tục hải quan điện tử và triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Đến nay, ngành Hải quan đã triển khai ứng dụng 28 phần mềm công nghệ thông tin phục vụ công tác nghiệp vụ và quản lý nội ngành; hệ thống mạng LAN, WAN, INTERNET luôn thông suốt.
Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, nơi có lưu lượng hàng hóa XNK, phương tiện và hành khách xuất, nhập cảnh lớn đã được trang bị, lắp đặt cân điện tử, máy soi hành lý, chó nghiệp vụ hỗ trợ công tác nghiệp vụ; niêm yết công khai thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thực hiện thủ tục hải quan đơn giản, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa thấp hơn so với quy định của ngành; triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại kho, bãi; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XNK hàng hóa; không gây ách tắc, chậm trễ đối với hoạt động XNK, nhất là hàng hóa nông sản, hải sản tươi sống. Đặc biệt, ngành Hải quan còn thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra thu thuế XNK nộp ngân sách Nhà nước theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của T.Ư và tỉnh giao được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; nhiều biện pháp chống thất thu thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thuế nợ đọng được triển khai, như: Thực hiện hiệu quả Đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”; ký kết quy chế phối hợp thu giữa Kho bạc Nhà nước tỉnh – Cục Hải quan – Cục Thuế và các ngân hàng trên địa bàn. Nhờ vậy, số thu hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, không để xảy ra thất thu thuế. Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo hộ sản xuất trong nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, đảm bảo các hoạt động thương mại diễn ra thuận lợi.
Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, tổng kim ngạch XNK không ngừng tăng; kim ngạch hàng hóa XNK năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2018, kim ngạch XNK đạt trên 576 triệu USD, tăng 267% so với năm 2015; hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới đạt trên 49.700 USD; tổng thu thuế đạt gần 293 tỷ đồng; thực hiện 10 cuộc kiểm tra sau thông quan, phát hiện, xử phạt các doanh nghiệp sai phạm số tiền trên 740 triệu đồng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế; ngành Hải quan đang tập trung các giải pháp thực hiện thành công Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu: Xây dựng ngành Hải quan hiện đại; có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục đơn giản, hài hòa, đạt chuẩn quốc tế; xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp.
Với những kết quả đạt được và cách làm hiệu quả hiện nay, ngành Hải quan đang góp phần quan trọng thực hiện thành công Đề án “Phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2025”.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc